Góp "nốt nhạc" vào "bản giao hưởng" rừng xanh
(TN&MT) - Rừng Xuân Liên đang từng ngày hồi sinh nhờ những nỗ lực không ngừng của cộng đồng và những thành viên tham gia Chương trình “Góp một cây là góp rừng” do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia khởi xướng. Với mỗi mầm sống được gieo xuống, tiếng côn trùng, tiếng chim, tiếng vượn cất lên. Với mỗi “nốt nhạc” được trồng, rừng Xuân Liên không còn tĩnh lặng mà xôn xao trong “bản giao hưởng” của rừng xanh.
Rừng Xuân Liên đang từng ngày hồi sinh nhờ những nỗ lực không ngừng của cộng đồng và những thành viên tham gia Chương trình “Góp một cây là góp rừng” do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia khởi xướng. Với mỗi mầm sống được gieo xuống, tiếng côn trùng, tiếng chim, tiếng vượn cất lên. Với mỗi “nốt nhạc” được trồng, rừng Xuân Liên không còn tĩnh lặng mà xôn xao trong “bản giao hưởng” của rừng xanh.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên thuộc tỉnh Thanh Hóa là khu rừng đầu nguồn với chức năng phòng hộ, điều tiết nước, bảo vệ cho hàng triệu người dân Thanh Hóa và các tỉnh lân cận. Rừng có diện tích 24.728,60ha; trong đó, 23.816,23ha rừng đặc dụng và 912,37ha rừng sản xuất.
Cái tên Xuân Liên, theo Hán - Việt, "Xuân" có nghĩa là mùa xuân - mùa khởi đầu của một năm mới, mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, của trăm hoa đua nở, của chim chóc hót líu lo. Mùa xuân còn là tượng trưng cho tuổi trẻ, tươi đẹp, tràn đầy sức sống; "Liên" có nghĩa là liên tiếp, tiếp nối... Như vậy, Xuân Liên được hiểu là những mùa xuân liên tiếp, nghĩa là tại khu rừng này, mùa xuân kéo dài mãi mãi, nơi muôn hoa đua nhau nở, muông thú sinh sôi quanh năm, một nơi núi rừng tươi tốt với muôn loài sinh sống chan hòa. Nhưng thực tế, buồn thay, rừng Xuân Liên lại không như vậy.
Chia sẻ về lý do Gaia chọn Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên để thực hiện chương trình này, bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết, rừng Xuân Liên có khoảng 300ha rừng nghèo kiệt. Diện tích này trước đây vốn là đất canh tác của người dân địa phương. Khi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên được thành lập, người dân di cư để lại các khu đất trọc. Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên đã bước đầu gây trồng cây rừng trên những vùng đất này. Tuy nhiên, trải qua 20 năm, đây vẫn là những khu rừng nghèo kiệt, ít loài. Điều đáng buồn đó là Nhà bảo tàng Xuân Liên có đến hàng trăm mẫu vật quý hiếm, thế nhưng, rừng Xuân Liên lại chẳng có tiếng muông thú gọi nhau.
Bên cạnh đó, sự suy giảm nhanh chóng diện tích và chất lượng rừng đầu nguồn đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống con người. Do mất rừng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động nghiệm trọng đến đời sống người dân. Rừng Xuân Liên là khu rừng đầu nguồn với chức năng phòng hộ, điều tiết nước, bảo vệ cho hàng triệu người dân Thanh Hóa và các tỉnh lân cận, với tầm quan trọng đó, Gaia đã chọn rừng Xuân Liên là một trong những khu rừng để phủ xanh trong Chương trình “Góp một cây là góp rừng”.
Chương trình trồng rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên nhằm khôi phục rừng nghèo kiệt, giảm thiệt hại bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí và năng suất mùa vụ, đồng thời góp phần xây dựng Vườn sưu tập thực vật quy mô lớn nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ các nguồn gen thực vật quý hiếm, phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, du lịch sinh thái.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Gaia đã phối hợp với Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên thực hiện và giám sát chặt chẽ quá trình từ thiết kế trồng rừng, chuẩn bị đất, chọn mua cây giống đến vận chuyển và trồng rừng. Các loại cây được trồng là cây gỗ bản địa lâu năm đa mục đích như Lim xanh, Quế, Sao đen, Bằng lăng, Pơ mu, Giáng hương, Vù hương... và nhiều loài quý hiếm khác.
Bên cạnh việc trồng cây vốn đã vất vả, làm thế nào để đảm bảo cây sau khi trồng sinh trưởng tốt và bền vững cũng là một công việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và sự kiên nhẫn. Để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng tốt và tỷ lệ sống của cây đạt 75% - 80% sau 4 năm, Gaia và Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên sẽ giám sát việc thực hiện chăm sóc khu rừng. Cụ thể, mỗi cây sau khi trồng sẽ được giám sát trong khoảng 30 ngày và một năm giám sát lại một lần tại thời điểm cây được chăm sóc. Việc giám sát sẽ được thực hiện liên tục trong vòng 4 năm sau khi cây được trồng. Người giám sát sẽ đo chiều cao, đường kính cây, chụp ảnh cây, đo đếm diện tích khu vực trồng rừng bấm lưu tọa độ GPS từng cây, lập ô tiêu chuẩn đo đếm mật độ cây, đi ngẫu nhiên theo tuyến kiểm tra tình trạng chung của khu rừng…
Chiến dịch “Góp một cây là góp rừng Xuân Liên” được Gaia triển khai từ đầu tháng 2/2020. Sau 4 năm, tính đến tháng 4/2023, rừng Xuân Liên đã có thêm 101.319 cây khỏe mạnh, góp phần phủ xanh 110,6ha diện tích đất trống nơi đây.
“Tuy nhiên, rừng Xuân Liên vẫn cần nhiều mầm sống mới. Tỷ lệ che phủ rừng nước ta đạt 42,02% nhưng phần lớn là rừng sản xuất. Diện tích rừng tự nhiên, rừng giàu ngày càng bị thu hẹp. Do đó, Gaia tích cực trồng phục hồi ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn - nơi có đa dạng sinh học cao. Các loài cây trồng tại đây sẽ được bảo vệ lâu dài và tạo tác động tích cực đến hệ sinh thái như giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại thiên tai bão lũ, tạo môi trường sống cho các loài động vật hoang dã và bảo vệ an ninh nguồn nước cho người dân trong khu vực. Thời gian tới, Gaia và Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng, nâng số lượng cây trồng và số loài cây gỗ được trồng tại đây.” - bà Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết.
Không chỉ góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, Chương trình còn giúp nâng cao sinh kế cho 59 đồng bào dân tộc Thái sống ở vùng đệm rừng. Bà con đã tham gia xử lý thực bì, trồng rừng trong các tháng 3, 4, 8, 9, 10 và sẽ tiếp tục công tác chăm sóc rừng trong các năm tiếp theo. Thông qua công việc, bà con không chỉ có thêm thu nhập, mà còn có thể góp phần bảo vệ và làm giàu đẹp rừng thiêng của dân tộc.
Chia sẻ về những khó khăn và niềm tin mãnh liệt, Hải Minh - một trong những tình nguyện viên tham gia Chương trình cho biết: “Khi trực tiếp tham gia trồng rừng, chúng mình đã được hiểu thêm được những vất vả thầm lặng của công việc ý nghĩa này. Chúng mình đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình phủ xanh rừng Xuân Liên. Địa hình cheo leo cùng với thời tiết thất thường, hôm trời nắng to, chúng mình ai nấy đẫm mồ hôi, hôm mưa phùn, đường trơn trượt,... nhưng những khó khăn này không làm chúng mình nản lòng. Đối với chúng mình, từng tiếng lá xào xạc, tiếng róc rách của dòng suối, tiếng côn trùng râm ran,... đều mang âm hưởng tràn đầy sức sống. Tất cả hòa quyện với nhau tạo thành một bản giao hưởng của rừng xanh mà mỗi một mầm xanh được góp sẽ gieo thêm một nốt nhạc vào bản giao hưởng đó. Chúng mình tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, bản giao hưởng này sẽ vang vọng mãi và khu rừng của những mùa xuân sẽ luôn rộn vang tiếng ca, hòa vào màu xanh tươi mát của mẹ Trái đất”.