Điện Biên: Rừng đã xanh trở lại
(TN&MT) - Rừng Điện Biên đã xanh trở lại. Vết tích của lưỡi máy cưa lướt ngang làm cho hàng vạn cây đổ xuống dường như xóa hẳn. Thay vào đó, núi đồi bạt ngàn một màu xanh thẫm, màu của sự sống hồi sinh. Những rừng cây tái sinh đang làm cho diện mạo của Điện Biên trở nên hùng vĩ, bình yên và thân thiện với môi trường.
Những câu chuyện ngày xưa cũ
Ngày cuối năm, chúng tôi lại lang thang trên khắp nèo đường vùng đất biên viễn, Điện Biên xa xôi và diệu vợi. Cách đây hơn 2 thập niên, thời điểm năm 2000, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên chưa đầy 36%; khu vực hai bên vệ đường của tất cả các tuyến đường Quốc lộ 279, quốc lộ 12 và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, các tuyến liên xã, liên bản... đến đâu cũng thấy những cánh rừng bị hạ, đốn nham nhở vết lửa táp cháy đen thui. Thậm chí có những thân cây to đẫy cả một vòng ôm, la liệt những cây bằng bắp đùi, cổ tay, cổ chân... còn hăng mùi nhựa.
“Giai đoạn đó, dân phá rừng làm nương như một làn sóng, đâu đâu cũng thấy ngổn ngang thân cây hạ. Nhà tôi cũng không ngoại lệ, vì giai đoạn đó các cháu con tôi đang tuổi lớn, nhà đông con nhu cầu lương thực rất nhiều. Trong khi cả nhà chỉ trông chờ vào nương rãy, thanh niên trong độ tuổi lao động chưa biết đi làm ăn xa, chỉ quẩn quanh ở bản.” – Ông Lò Văn Thanh, bản Pá Vạt, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, chia sẻ.
Ông kể: Ngày nào cũng như ngày nào, sáng sớm là vợ tôi phải đồ một nồi cơm nếp to, giã muối ớt, gói đi làm nương cả ngày. Thậm chí trẻ con cũng đi nương vì ở nhà không có người trông. Còn đối với những đám nương ở xa thì cả gia đình sẽ di chuyển lên đó, mang gạo, nồi niêu, bát đũa, những thứ cần thiết...lên nương dựng lán ở tạm để làm nương khi nào làm xong hoặc thu hoạch xong thì về. Nhà ở bản gửi cho bản trông coi giúp.
Rồi sau này các con tôi lớn, chúng bắt đầu không thích ở bản. Đầu tiên là thằng cả đi làm ăn xa, đến tết mới về, tiền làm thuê cũng mua được mấy con trâu. Mới đầu nó chỉ đi làm ở quanh các tỉnh gần đây, xa lắm thì đi Hà Nội, sau rồi thì đi làm thuê sang cả nước ngoài. Người ta về đào tạo rồi đón nó đi... Thấy nó đi làm xa có tiền, thanh niên trong bản học theo. Ban đầu thì chỉ có đàn ông, con trai, sau này cả con gái và phụ nữ cũng đi làm thuê ở xuôi hết. Thế nên rừng, nương không còn ai chặt phá. Và cũng còn một nguyên nhân nữa do cán bộ kiểm lâm trông coi nghiêm ngặt hơn. Các hộ phải ký hương ước với bản, không chặt phá rừng. Nếu chặt mà bị bắt thì phạt rất nặng. Thậm chí còn bị đi tù... - Ông Thanh kể.
Từ xa có tiếng gọi, ông Thanh bỏ lại mình tôi, ông ra ngoài đuổi con chó đang sủa âng âng... Trưởng bản Lò Văn Hùng đến để báo ngày mai đi Nậm Mức mời thầy mo về cúng bản. Sau cái bắt tay xã giao, trưởng bản Hùng kéo ghế ngồi nói về những dự kiến cho buổi lễ trọng đại... Ông Thanh gật đầu hai người bàn chuyện bằng tiếng địa phương. Tôi ngồi nhìn ra khu rừng trước mặt, những thân cây thành ngạnh cao vút, xuân về nảy lộc lá đỏ au.
Câu chuyện của 2 người dường như đủ ý, quay sang tôi Trưởng bản Hùng nói: “Rừng của bản bây giờ được bảo vệ rồi... Toàn bộ khu rừng trước mặt chị, trước đây là đồi trọc, sau 7 năm bảo vệ bây giờ những thân cây thộ lộ, cây mạy soi... đều to bằng cái phích rồi. Không riêng gì khu này mà toàn bộ diện tích rừng của bản hơn 300ha đều đang được trông coi bảo vệ rất tốt. Trước người dân còn hay chặt hạ cây gỗ to để làm nhà sàn, giờ thì họ chuyển sang làm nhà sàn bằng bê tông, vừa chắc chắn lại vừa tiện lợi.”
Gian nan người lính gác rừng
Chia tay Trưởng bản Hùng và ông Lò Văn Thanh, bản Pá Vạt khi mặt trời đứng bóng. Chúng tôi tiếp tục hành trình đi về phía đại ngàn xanh thẫm. Nơi chúng tôi đến là Mường Nhé. Một huyện xa xôi của tỉnh Điện Biên, nơi từng đã diễn ra nàn sóng di cư tự do, từ nhiều năm trước. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng làm nương ở nơi này.
Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé (BQL DTTN ), huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, sau cái bắt tay giật giật anh bảo: “Bây giờ đang là cao điểm để phòng, chống cháy rừng. Nhất là từ nay đến sau Tết Nguyên đán tháng 3, tháng 4, thời điểm khô hanh, gió Lào thổi. Ở đây chủ yếu là rừng đặc dụng, Ban được giao quản lý 46.073,51ha, nằm trên địa phận các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé, Nậm Kè, huyện Mường Nhé.
Nhiệm vụ của chúng em là bảo vệ 46.073,51ha rừng và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, phục hồi tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên. Công việc chỉ có vậy..!” Nghe Giám đốc Chính nói đùa, bỏ lửng từ “chỉ có vậy” mà như lọt thỏm giữa mênh mông đại ngàn.
Công việc gác rừng của những “người lính” trước “giặc lửa” gian nan và cơ cực bội phần. Tuần nào cũng vậy, cán bộ và nhân viên của BQL KDTTN Mường Nhé lại cắt cử nhau, phay phiên tuần tra. Những tư trang, vật dụng là đèn bin, võng, nồi niêu, gạo, cá khô, muối, áo mưa...được các thành viên trong tổ bảo vệ rừng khoác bộ để đi tuần một vòng rừng, trong diện tích gần 47.000ha phải mất mươi hôm, thậm chí là nửa tháng. Cũng có khi việc đi tuần được chia theo tuyến, theo rông, theo khu vực...
Theo lời của Giám đốc Chính, mỗi xã Ban sẽ thành lập 1 tổ chuyên trách bảo vệ rừng, từ 5 - 7 người... Nhất là những lúc thời tiết khô hanh, thì việc tuần tra càng được sắp xếp dày hơn. Lịch trực ban, được túc trực 24/24, theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu và cảnh giác người lạ xâm nhập rừng. Thậm chí cả với những người thả trâu bên bìa rừng... chỉ sơ suất nhỏ có thể sẽ mất đi cả cánh rừng trong chớp mắt.
Hôm nay, đến phiên tuần rừng của tổ bảo vệ chuyên trách bảo vệ rừng xã Mường Nhé. Tổ trưởng Kiên Kiên Hừ, người dân tộc Hà Nhì, xã Mường Nhé đã dậy từ rất sớm. Tổ của anh gồm 5 người đều là người dân bản địa, anh phân công các thành viên trong tổ chia nhau mang nhu yếu phẩm để đi đến đâu sẽ nghỉ lại ăn trưa, tối ngủ lại rừng để mai lại đi tiếp. Kiên bảo: Những tháng cao điểm mùa khô bắt đầu từ tháng 12 cho đến hết tháng 4, tháng hầu như các thành viên trong tổ, thậm chí cả lãnh đạo đều giảm cân vì phải tuần tra rừng nhiều hơn thời điểm khác. Chỉ khi nào trời cho mưa xuống, mùa khô qua đi lúc ấy mới thấy mình nhẹ nhõm. Đêm đang ngủ mà nghe ở đâu đó có đám khói, bất kể là đốt nương hay từ đâu thì cả đội đến tận nơi. Nếu đám cháy to thì phải tập trung huy động của lực lượng suốt đêm, thậm chí mấy ngày liền khi nào lửa được dập tắt thì mới yên. Sợ nhất là gió Lào thổi, ngọn lửa như lưỡi quỷ thè ra đỏ lòm, liếm cái đi cả cánh rừng...
Anh tâm sự: Mình như có nợ với rừng, chỉ khi nào rừng bình yên, thì mình mới yên ổn. Nhất là những năm trước, nạn di cư tự do vào Mường Nhé. Thậm chí có những gia đình người Mông ở tận Đắc Lắk cũng kéo nhau vào Mường Nhé, họ chặt phá rừng vô tội vạ, chỉ sau một đêm cả cánh rừng đã bị “trảm”. Cán bộ kiểm lâm cùng đoàn lên đến nơi chỉ còn lại mùi nhựa cây. Nhìn những thân cây cao lớn nằm ngổn ngang mình chỉ còn biết ôm mặt khóc...vì bất lực.
Câu chuyện phá rừng và giữ rừng của Mường Nhé nói chung, của Điện Biên nói riêng phần lớn đều bắt nguồn từ việc mưu sinh. Giải quyết được công ăn việc làm và kế sinh nhai thì tự người dân sẽ không còn nạn phá rừng làm nương. Cùng với đó là các chính sách đi kèm như việc chi trả dịch vụ môi trường rừng và chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng. Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên đạt 43,5%. Với nhiều giải pháp cụ thể, Điện Biên đang đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh 45,5 và 48% vào năm 2030; chủ yếu là rừng tự nhiên.