Môi trường

Hải Phòng phân loại rác tại nguồn:Nền móng vững chắc cho tương lai xanh

Hoàng Phong 31/12/2024 - 11:08

(TN&MT) - Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân cùng nỗ lực của đơn vị công ích trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, công tác phân loại, xử lý, tái chế rác trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Triển khai nhiều biện pháp

Ngày 20/7/2022, HĐND thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 21/11/2022, trong đó, xác định các nội dung, giải pháp thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương.

anh-2-2-.jpg
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thu gom các cành cây sau bão để xử lý

Theo đó, 15/15 UBND quận, huyện trên địa bàn đã ban hành kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng thường xuyên nghe báo cáo tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Cụ thể, năm 2022, UBND thành phố đã tổ chức 16 cuộc tuyên truyền cấp thành phố tại 11 quận, huyện cho khoảng 3.000 cán bộ chủ chốt và 30 cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố. Năm 2023, trên cơ sở kết quả triển khai năm 2022, UBND thành phố đã tiếp tục triển khai thực hiện mô hình điểm về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại 57 xã, phường, thị trấn tại các quận, huyện và tổ chức 45 cuộc tuyên truyền, 44 cuộc kiểm tra tại các quận, huyện. Năm 2024, thực hiện Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 25/12/2023 của UBND thành phố triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thành phố Hải Phòng đã tổ chức 750 hội nghị tuyên truyền với khoảng 90.000 lượt người tham dự.

anh-3.jpg
Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thu gom rác

Hàng năm, Sở TN&MT Hải Phòng cũng chủ trì, phối hợp cùng Công an thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố, trong đó bao gồm các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của tổ chức, cá nhân. UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng tái đổ trộm và đốt chất thải trên địa bàn, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh, khu vực ít dân cư sinh sống; đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 160 trường hợp với số tiền 423 triệu đồng…

Năm 2022, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 135 bãi rác tạm, trong đó, có 123 bãi đang hoạt động và 12 bãi dừng hoạt động. Dự kiến đến hết tháng 12/2024, các huyện sẽ thực hiện nâng cấp cải tạo 20 bãi hợp vệ sinh; đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường 50 bãi. Kế hoạch năm 2025, các huyện: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Bạch Long Vĩ tiếp tục thực hiện nâng cấp, cải tạo và đóng cửa các bãi rác nhỏ không hợp vệ sinh khác.

Hiện nay, thành phố Hải Phòng đang triển khai thủ tục đầu tư 2 nhà máy xử lý chất thải xây dựng tại huyện An Dương; 1 Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ (quận Hải An); 1 Khu xử lý chất thải rắn hiện đại tại huyện đảo Bạch Long Vĩ để nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

Theo UBND thành phố Hải Phòng, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý chất thải rắn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác quản lý chất thải rắn, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

anh-1-2-.jpg
Dây chuyền xử lý rác cồng kềnh tại Khu liên hợp Quản lý và xử lý chất thải Tràng Cát

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn và tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải; đầu tư đổi mới, nâng cấp trang thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp tục kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế hợp tác, hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải; thu hút đầu tư cho xử lý, nâng cao năng lực quản lý, học tập kinh nghiệm các tổ chức quốc tế về các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

UBND thành phố Hải Phòng cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; các tổ chức cá nhân có phát sinh lượng chất thải lớn; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Nhân lên những mô hình kiểu mẫu

Là một đơn vị có chức năng thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng, thời gian qua, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương, đơn vị, tổ dân phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, phân loại rác tại nguồn nói riêng.

Công ty đã tổ chức hơn 1.000 hội nghị tuyên truyền phân loại rác tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, đồng thời phối hợp triển khai 300 mô hình phân loại rác tại nguồn. Các mô hình được chính quyền địa phương, tổ dân phố và Công ty phối hợp kiểm tra, giám sát công tác phân loại, thu gom rác hàng ngày nên đều đạt hiệu quả cao.

Theo ông Phạm Thanh Hà - Trưởng ban Truyền thông Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng, đến nay, trên địa bàn các quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và huyện An Dương đã có gần 300 tổ dân phố được công nhận là “Tổ dân phố kiểu mẫu về phân loại rác tại nguồn”, các tổ dân phố còn lại cũng đang triển khai mô hình này.

Hàng ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát tiếp nhận hơn 100 tấn rác hữu cơ, tái chế đã được phân loại tại nguồn vận chuyển về để xử lý, tái chế. Theo đó, đối với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, Công ty sử dụng làm nguyên liệu phục vụ nền kinh tế tuần hoàn; Chất thải thực phẩm, hữu cơ được xử lý bằng phương pháp vi sinh, thu hồi mùn hữu cơ, là nguyên liệu để sản xuất phân compost...

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Hà, trên thực tế, có nhiều loại rác sinh hoạt khác không đốt được, điển hình như: rác thải xây dựng, sành, sứ vỡ, vỏ ốc, xỉ than… Bởi vậy, khi chưa có nhà máy đốt rác thì tất cả rác thải sinh hoạt khác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Thời gian tới, khi thành phố có nhà máy đốt rác phát điện, nhân dân thành phố và công nhân môi trường sẽ tiếp tục phân loại, phân tách rác thải sinh hoạt khác thành 2 loại là: rác không đốt được và rác đốt được. Lúc này, rác thải sinh hoạt khác không đốt được sẽ tiếp tục được chôn lấp, còn rác thải sinh hoạt khác đốt được sẽ được chuyển giao cho nhà máy đốt rác.

“Phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, tái chế rác thải là những hành động thiết thực nhất để bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo dựng một nền móng vững chắc cho một tương lai xanh, tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau”, ông Phạm Thanh Hà - Trưởng ban Truyền thông Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng phân loại rác tại nguồn: Nền móng vững chắc cho tương lai xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO