Chúng ta đang chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy khi mực nước thượng nguồn sông Mê Kông xuống thấp nhất trong lịch sử dù đang là mùa mưa. Ở hạ nguồn, nỗi lo nước lũ không về và xâm nhập mặn khốc liệt lại đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu, kết hợp với những tác động của con người gây ra khiến khô hạn trên lưu vực sông Mê Kông đang đến sớm và khốc liệt hơn so với mọi dự báo.
Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) đã chính thức thông tin: Mực nước sông Mê Kông trong đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 đã ở mức thấp nhất, dưới mức tối thiểu từng ghi nhận trong nhiều năm. Còn Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ TN&MT đưa ra dự báo, từ tháng 8 - 10/2019, tổng lượng dòng chảy tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30% và cao hơn năm 2015 từ 5 - 12%.
Thiếu nước ở sông Mê Kông đã được cảnh báo từ lâu. Nguyên nhân một phần là do lượng mưa năm nay bị sụt giảm nhưng phần khác cũng do hoạt động của các thủy điện trên thượng nguồn. Nếu nhìn ngược lên có thể thấy hàng loạt các nước trong lưu vực sông Mê Kông đang “đua nhau” chặn dòng. Một khối lượng nước lớn của sông đã bị giữ lại tại các đập thủy điện đe dọa an ninh nguồn nước nhiều quốc gia hạ lưu.
Hôm nay, nước sông Mê Kông ở thượng nguồn xuống thấp lịch sử đặt hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long trước một bối cảnh mới, sống chung với thiếu nước, thiếu phù sa, xâm nhập mặn thay vì "sống chung với lũ” như trong quá khứ.
Trong khi đó, chúng ta đều biết dòng Mê Kông chảy theo những nhánh sông xuôi ra biển lớn. Những hạt phù sa cũng nương theo dòng nước ra khơi. Trong hàng triệu triệu những hạt phù sa ấy, có những hạt còn “vương vấn” nán lại bồi lắng thành những cù lao, những cồn đất trên các triền sông. Chính những cù lao này đã làm phong phú thêm sản vật của vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng chuyện lở, bồi không theo quy luật tự nhiên mà do tác động đi ngược lại tạo hóa của con người thật sự là một nỗi lo.Tốc độ bồi lắng ngày càng tăng. Nước biển vào sâu trong đất liền. Phù sa ít dần đã hiện hữu… Các nhà khoa học cho hay, đến năm 2020, lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long giảm 67% so với 13 năm trước đây; đến năm 2040, lượng phù sa có thể giảm 97%.
Đồng bằng sông Cửu Long không có lũ, không chỉ đơn thuần là nước ít đi mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy tai hại. Đó là hạn hán, xâm nhập mặn, sâu bệnh. Còn nhớ, năm 2015, lũ thấp, sau đó, sang đầu năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử khiến 10/13 tỉnh thành phải công bố thiên tai, hơn 160.000ha lúa bị thiệt hại. Điều đáng sợ là với tình hình như hiện nay, đợt hạn mặn lịch sử này có thể lặp lại vào mùa khô năm sau.
Và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long có lý do tiếp tục lo sợ. Họ sợ đồng mặn, bởi họ quen với thứ nước ngọt vục tay xuống là hớp lên miệng bất kể trưa hè chói chang. Họ nhói lòng khi nước mặn vào khiến lúa bạc đầu, xám ngoét rồi gục ngã. Mặn vào là gốc sầu riêng, xoài xanh… “tái mét” những chồi non, rồi lẳng lặng gục chết, để lại những vườn cây hoang tàn. Họ sợ mỗi khi nghe tin đâu đó, kè biển vỡ tan sau vài lớp sóng. Nước biển lẫn vào phù sa. Cửa biển hòa với cửa sông. Họ cam chịu khi sự sống bị dòng sông chối từ, nêm nó cho mặn đắng, trắng phớ bạc màu muối.
Về đi lũ ơi! Nghe như tiếng thở than day dứt, là ước mong của nông dân vùng châu thổ phương Nam lúc này.