Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Mai Đan| 11/10/2019 17:29

(TN&MT) – Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt ở thủ đô Hà Nội, việc giúp người dân hiểu và chủ động tham gia vào công tác bảo vệ bầu không khí chung của thủ đô là việc làm rất cần thiết và cấp bách.

GS Hoàng Xuân Cơ – Khoa Môi trường Đại Học Khoa Học Tư Nhiên, ĐHQG Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT
GS Hoàng Xuân Cơ – Khoa Môi trường Đại Học Khoa Học Tư Nhiên, ĐHQG Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT 

Nhận thức rõ điều này, ngày 11/10 tại Hà Nội, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội phối hợp với Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) tổ chức Hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội – Hành động của chính quyền và người dân”.

Hội thảo nhằm thông tin đầy đủ cho các đơn vị truyền thông và người dân để hiểu đúng về diễn biến ô nhiễm không khí trong thời gian qua. Đồng thời là cơ hội để các bên liên quan nắm được nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian qua và nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác cải thiện chất lượng không khí của TP. Hà Nội.

Ô nhiễm không khí – “Kẻ giết người vô hình”

Tại hội thảo, TS Park Kidong – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Ô nhiễm không khí toàn cầu gây ra khoảng 29% trường hợp tử vong do ung thư phổi, 24% ca tử vong do đột quỵ, 25% do đau tim và 43% do bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Ô nhiễm không khỉ là “kẻ giết người vô hình”.

Theo TS Park Kidong, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tất cả các nơi trên toàn cầu, tuy nhiên người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nhất. “Thống kê của WHO cho thấy 97% người dân sống ở thành phố có thu nhập thấp và trung bình với hơn 1.000 dân không được đáp ứng về chất lượng không khí. Trong khi đó con số này chỉ dưới 49% ở các nước có thu nhập cao” - TS Park Kidong nói.

TS Park Kidong – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
TS Park Kidong – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

TS Park Kidong cho rằng: Trẻ em, phụ nữ và công nhân làm việc ngoài trời là những người chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí nặng nề nhất. “Kẻ giết người vô hình” này là nguyên nhân gây tử vong lớn ở trẻ em; gây tác động tiêu cực đến sức khỏe của phụ nữ - những người làm nội trợ và những người dân bán hàng ngoài phố và cảnh sát giao thông. WHO ước tính toàn cầu có khoảng 7 triệu người tử vong do ung thư phổi, đột quỵ và các bệnh tim mạch do ô nhiễm không khí trong năm 2016”.

Theo bà Lý Bích Thủy – Viện Khoa học và Công Nghệ Môi Trường - Đại học Bách khoa Hà Nội, diễn biến nồng độ bụi PM10 trung bình năm tại một số điểm đo ở Hà Nội cho thấy: So với ngưỡng khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, nồng độ PM10 trong xu hướng dài hạn (trong 2 thập kỷ) đều cao hơn quy chuẩn khuyến nghị. Tương tự, nghiên cứu dài hạn tại một số điểm khác nhau trong cùng một giai đoạn cho thấy nồng độ trung bình PM2.5 trong thời gian dài cao hơn một vài lần so với khuyến nghị của WHO và quy chuẩn hiện tại.

Bà Lý Bích Thủy cho biết trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu chất lượng không khí tại một điểm tại trường. Theo đó, diễn biến của nồng độ bụi trong giờ trong ngày vào các tháng 1, 3, 5, 7, 9, 11 trong năm 2017 cho thấy tháng 1 có nồng độ bụi cao hơn tháng 7, tháng 1 biến động lớn vào ban đêm, có thể thấy nồng độ  bụi cao, ngược lại vào tháng 7, biến động thấp và thấp đều. Nguyên nhân là do bụi PM2.5 bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

bà Lý Bích Thủy – Viện Khoa học và Công Nghệ Môi Trường - Đại học Bách khoa Hà Nội
Bà Lý Bích Thủy – Viện Khoa học và Công Nghệ Môi Trường - Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ tại hội thảo

Theo bà Lý Bích Thủy, điều kiện khí hậu bất lợi sẽ khiến nồng độ ô nhiễm tăng lên, do đó thông số khí tượng có mối tương quan ảnh hưởng rõ nét về mặt thống kê lên diễn biến của nồng độ bụi. Bà cho rằng để giảm thiểu ô nhiễm không khí, giảm nồng độ bụi, cần phải giảm phát thải và các nhóm giải pháp hữu hiệu khác.

Cần sự chung tay của chính quyền và người dân

Chia sẻ bên lề hội thảo, GS Hoàng Xuân Cơ – Khoa Môi trường Đại Học Khoa Học Tư Nhiên, ĐHQG Hà Nội cho biết: Phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Những người đi xe máy, ô tô, mỗi ngày họ đi hàng chục km, thậm chí hàng trăm km, nhân lên sẽ gây ra lượng khí thải rất lớn.

“Chúng ta không chỉ là nạn nhân, mà chính chúng ta cũng là thủ phạm gây ô nhiễm. Bạn dùng điện, điện từ đâu? Điện từ than, điện than gây ô nhiễm. Một ngày gia đình bạn dùng bao nhiêu số, nhân lên với hệ số phát thải thì bạn sẽ biết gia đình mình mỗi ngày đóng góp vào hệ số phát thải là bao nhiêu!” - GS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.

Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần sự chung tay của cả cộng đồng (Ảnh minh họa)

GS Hoàng Xuân Cơ cho biết: Về giao thông, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi từ tiêu chuẩn Euro 2 sang tiêu chuẩn Euro 4. Điều đó cho thấy Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề về ô nhiễm không khí. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, từng cá nhân cần phải có hành động giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy… và chuyển sang phương tiện công cộng. Điện than cũng là 1 nguồn gây phát thải. Nhà nước có chính sách rất tốt là trợ giá cho điện gió và điện mặt trời, 2 loại này đang rất phát triển ở Việt Nam. Đấy là những dấu hiệu rất là tích cực.

GS Hoàng Xuân Cơ cho rằng nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí như hiện nay là sự phát triển đất nước và đời sống người dân được nâng cao, do đó chắc chắn phải đánh đổi. Nhưng có điều, không đánh đổi bằng mọi giá, chỉ đánh đổi ở mức chấp nhận được. Điều đó đòi hỏi cả nhà nước và nhân dân đều phải chung tay nhằm mục tiêu chung giữ cho môi trường trong sạch.

bà Hoàng Thị Hương Giang – Điều phối viên của Tổ chức ICLEI
Bà Hoàng Thị Hương Giang – Điều phối viên của Tổ chức ICLEI chia sẻ

Tại hội thảo, bà Hoàng Thị Hương Giang – Điều phối viên của Tổ chức ICLEI (Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền và người dân, mong muốn sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa các sở, ban ngành. “Hà Nội có hơn 8 triệu dân nên không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước, nếu như người dân cùng nhau không sử dụng bếp than tổ ong, giảm sử dụng điện, giảm sử dụng rác thải nhựa, túi nilon, giảm phát thải… thì chúng ta có thể đương đầu với cuộc chiến ô nhiễm không khí!” - bà Hoàng Thị Hương Giang nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng trong bối cảnh ô nhiễm nặng nề như hiện nay, đây vừa là thách thức nhưng cũng là “cú hích” và thời cơ để Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra một chiến dịch hay kế hoạch huy động sức mạnh của cộng đồng như trồng cây, không đốt rác... Để làm được như vậy, cần có sự đồng hành vào cuộc và phối hợp giữa các Sở, ban ngành và cộng đồng người dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các tổ chức phi chính phủ như Live&Learn, GIZ,...) đã và đang thực hiện một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí như: Lắp đặt thêm các trạm cảm biến quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội; hạn chế sử dụng bếp than tổ ong; hạn chế đốt rơm rạ; xây dựng các đề xuất nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; xây dựng mô hình sân chơi tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo; các chương trình truyền thông - giáo dục tại trường học - cộng đồng nhằm giúp công chúng hiểu rõ về chất lượng không khí và các hành động cần thiết…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO