“Giải mã” nguy cơ sạt lở đất đá

11/09/2018 11:20

(TN&MT) - Vừa qua, tại tỉnh Hòa Bình xuất hiện hàng chục điểm sạt, trượt lở đất đá khiến gần 80 hộ dân phải di dời khẩn cấp do nhà bị sập hoặc rạn nứt nghiêm trọng. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi cùng ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản về kết quả khảo sát hiện trạng trượt lở đất đá tại nơi đây.

Anh Hoa Vien KHDCKS
Ông Trịnh Xuân Hòa
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

PV: Hiện nay, phần lớn các tỉnh miền núi phía Bắc đã có thể hình dung được nguy cơ trượt lở đất đá tại địa phương nhờ bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá cho khu vực 17 tỉnh và bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho khu vực 10 tỉnh, ở tỷ lệ 1:50.000 do Bộ TN&MT xây dựng. Vừa qua, tại tỉnh Hòa Bình xuất hiện hàng chục điểm sạt, trượt lở đất đá, những điểm sạt, trượt lở này có trong kết quả điều tra hiện trạng trượt lở đất đá không, thưa ông?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho khu vực tỉnh Hòa Bình được tiến hành điều tra, thành lập vào năm 2014. Công tác nghiên cứu, điều tra đã xác định được 68 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá giải đoán từ ảnh máy bay và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số; 184 điểm trượt lở đất đá, 7 điểm lũ ống, lũ quét, 7 điểm xói lở bờ sông từ  khảo sát thực địa (trong đó, có 69 vị trí có quy mô nhỏ, 81 vị trí có quy mô trung bình, 34 vị trí có quy mô lớn); chỉ ra được các khu vực có nguy cao về trượt lở đất đá (khu vực dọc QL.6 dài 20 km từ xã Phú Cường, huyện Tân Lạc đến xã Tân Sơn, huyện Mai Châu; các xã Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng, Suối Nhánh, Mường Chiềng thuộc huyện Đà Bắc; các phường Hòa Bình, Đồng Tiến, Sủ Ngòi, Thái Bình, Chăm Mát thuộc T.p Hòa Bình,...).

Các điểm xói lở ven bờ sông Đà (tổ 25, 26 phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình; khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, mới xuất hiện trong các năm gần đây, đặc biệt sau các đợt mưa lũ bất thường năm 2017 và 2018.

Năm 2017, trên cơ sở Công văn số 2262/UBND-KT ngày 8/12/2017 của UBND thành phố Hòa Bình, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã khảo sát địa chất nhằm đánh giá hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ sạt, trượt lở đã và đang gây ảnh hưởng cho một số hộ dân nằm trong khu vực trọng điểm thuộc tổ 4 phường Chăm Mát; tổ 4, 5 phường Thái Bình; tổ 22, 26 phường Đồng Tiến.

T12
Trượt lở đất đá ở Hòa Bình. Ảnh: MH

PV: Theo ông, hiện tượng sạt lở đất này có nguyên nhân do đâu?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã khảo sát sơ bộ, có báo cáo nhanh về hiện trạng và nguyên nhân các khu vực sạt, trượt lở, đưa ra các cảnh báo với chính quyền địa phương về việc di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm; kiến nghị các công tác điều tra nghiên cứu chi tiết tiếp theo, cũng như các giải pháp xử lý địa kỹ thuật.

Qua kết quả khảo sát năm 2017 và 2018, có thể đưa ra một số nhận định: Khu vực xói lở ven bờ sông Đà, phía dưới hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình không xa, là khu vực có điều kiện địa chất phức tạp. Đoạn sông Đà chảy qua khu vực phường Đồng Tiến, đặc biệt, đoạn qua các tổ 25 và 26, bị uốn cong khiến dòng chảy bị đổi hướng, nên khu vực này chịu tác động trực tiếp của dòng chảy đổ thẳng vào; vách taluy âm từ đường QL 6 xuống sông Đà cao (10m) và độ dốc lớn, có nơi thẳng đứng.

Nền đất trên taluy phía bờ sông chủ yếu là đất bồi (đất san gạt) có kết cấu kém và không gắn kết với đá gốc; nền móng các công trình xây dựng của người dân yếu và đặt trực tiếp trên nền đất bồi bên dưới nên không có khả năng chống sạt, trượt (qua khảo sát thực tế có thể thấy một số móng nhà dân bị lộ ra, không tiếp xúc với đá gốc khi lớp đất bên dưới đã bị trượt xuống bờ sông).

Sau các trận mưa lớn, dài ngày, đặc biệt là vào tháng 10/2017 và 7/2018 nước sông Đà dâng cao. Phần đất phía sau các hộ dân hay taluy âm của đường QL6 bị ngậm nước trong thời gian dài đã trở nên bão hòa, bở rời, gắn kết kém.

Một trong những ảnh hưởng thường xuyên có thể tác động dần dần tới hiện tượng sạt, trượt lở ở đây là quá trình xả nước thải bừa bãi không chỉ ở tổ 26, phường Đồng Tiến mà có thể ở các khu vực khác dọc bờ sông Đà. Các đường ống xả thải được xả trực tiếp và phía sườn taluy âm sau nhà dân cũng đã ảnh hưởng phần nào đến khả năng giữ đất tại các khu vực này.

Cũng có ý kiến cho rằng, sự cố sạt, trượt lở gây ảnh hưởng nhà dân, hỏng đường vừa qua là hậu quả trực tiếp của việc xả lũ nhà máy thủy điện Hòa Bình. Vấn đề này chúng tôi chưa quan sát được trực tiếp. Có thể cần tìm hiểu thời điểm xả lũ, quá trình xả lũ, mực nước ngập lũ, động lực dòng chảy lũ... để liên hệ với thời điểm xảy ra sạt, trượt. Tuy vậy, về hiện tượng, cũng có thể có mối liên hệ, dòng chảy xả lũ rất mạnh, mực nước lũ ngập lên rất cao và rất nhanh, sau đó lại rất nhanh chóng hạ thấp đột ngột... có thể gây thay đổi điều kiện ứng suất trong đất đá, gây trượt. Xin nhắc lại là cần có điều tra, nghiên cứu thận trọng trước khi đưa ra một kết luận chính thức.

PV: Là chuyên gia trong ngành địa chất, ông có thể chia sẻ cách nhận biết trước những hiện tượng, dấu hiệu có nguy cơ dẫn đến sạt, trượt lở đất để người dân có thể di dời trước khi  thiên tai xảy ra ?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ thường gây ra sạt, trượt lở đất, đặc biệt ở các vùng miền núi hay ven sông, suối gây thiệt hại lớn về con người và tài sản vật chất. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức để phòng và tránh thiệt hại do sạt, trượt lở đất.

Người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai từ thông tin đại chúng và các cơ quan chức năng trong mùa mưa bão; tham gia đầy đủ các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng chống thiên tai.

Một số dấu hiệu nhận biết là: Khi các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại) xuất hiện các vết sạt, trượt lở, thay đổi dòng chảy. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Vỡ mạch nước ngầm; hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển; cửa nhà hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần thạch cao, gạch nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng; Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống; Những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau. Khi nghe thấy tiếng rơi với âm lượng tăng dần của đất đá, tức là sạt, trượt lở đất có thể sắp xảy ra.

PV: Bộ TN&MT đã thành lập Đoàn chuyên gia để khảo sát địa chất từng khu vực trong tỉnh Hòa Bình ngay sau khi có sạt, trượt lở đất, ông có thể cho biết, Hòa Bình còn có những điểm nào đang tiềm ẩn nguy cơ?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Các khu vực có nguy cao về trượt lở đất đá của tỉnh Hòa Bình tập trung ở khu vực dọc QL.6 dài 20 km từ xã Phú Cường, huyện Tân Lạc đến xã Tân Sơn, huyện Mai Châu; các xã Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng, Suối Nhánh, Mường Chiềng thuộc huyện Đà Bắc; các phường Hòa Bình, Đồng Tiến, Sủ Ngòi, Thái Bình, Chăm Mát thuộc TP. Hòa Bình,...

Chúng tôi đang cập nhật thông tin, xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 tỉnh Hòa Bình và sẽ hoàn thành trong năm nay để bàn giao cho địa phương. Bản đồ này sẽ xác định các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá theo các mức độ khác nhau (từ rất thấp đến rất cao), xây dựng cho từng huyện; là tài liệu phục vụ tốt cho công tác cảnh báo, phòng tránh thiên tai, quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Giải mã” nguy cơ sạt lở đất đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO