Giải “bài toán” đất đắp phục vụ các dự án hạ tầng giao thông của Hà Nội
(TN&MT) – UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi một số địa phương về việc tạo điều kiện cung cấp vật liệu đất đắp phục vụ các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 32/UBND-TNMT ngày 04/01/2024 gửi UBND tỉnh Hòa Bình về việc việc tạo điều kiện cung cấp vật liệu đất đắp phục vụ các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Theo nội dung công văn nêu trên, TP Hà Nội đang triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông quan trọng nên cần khối lượng vật liệu đất đắp rất lớn và chủ yếu được cung cấp từ các nguồn thương mại, vận chuyển từ các mỏ đất có giấy phép khai thác đang hoạt động tại các tỉnh lân cận.
Riêng đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội, Chính phủ cho phép nhà thầu thi công của dự án được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp trên địa bàn thành phố Hà Nội, bổ sung đa dạng nguồn cung cấp vật liệu trên địa bàn các tỉnh lân cận có cung đường vận chuyển hợp lý, đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật phục vụ thi công các dự án hạ tầng giao thông theo đúng tiến độ được phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội trân trọng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp rà soát, tạo điều kiện cho phép các đơn vị được cung cấp vật liệu đất đắp cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội (nếu các đơn vị đủ điều kiện khai thác và cung cấp đất theo quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định khác có liên quan).
Theo Quyết định số 2776/QĐ-UBND, ngày 30/11/2023 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2019, tầm nhìn đến năm 2024 (bổ sung, điều chỉnh nhóm khoáng sản làm vật liệu san lấp) thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 69 điểm mỏ, diện tích trên 1,3 nghìn ha; trữ lượng trên 460 triệu m3. Đây là nguồn vật liệu thông thường để thực hiện việc cấp phép khai thác phục vụ các công trình, dự án trong và ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, số mỏ đã được bổ sung phù hợp với quy hoạch sử dụng đất là 38 khu vực mỏ, chiếm 55%; 31 khu vực mỏ chưa bổ sung quy hoạch sử dụng đất, chiếm 45%. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh đã lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 20 khu vực mỏ để thực hiện cấp phép nguồn nguyên liệu cung cấp cho các dự án trong và ngoài ngân sách; thực hiện quy trình khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 46 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi, thủy điện); công trình khắc phục thiên tai, địch họa; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới để thực hiện việc cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định.
Đánh giá về khả năng đáp ứng nhu cầu đất san, lấp thì Hòa Bình hiện có tổng khối lượng trên 4,7 triệu m3 (đã được UBND tỉnh cấp phép và đang còn hiệu lực giấy phép). Nguồn cung từ đất dôi dư khi thi công các dự án, công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng khối lượng trên 7,3 triệu m3.
Ngày 17/01/2024, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình có công văn số 552/VPUBND-KTN giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, nghiên cứu đề nghị nêu trên của thành phố Hà Nội và thống nhất, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.