Đà Nẵng: “Gỡ vướng” nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án công trình
Hiện nay, nhu cầu nguồn cung đất san lấp, cát, đá xây dựng… tại thành phố Đà Nẵng để phục vụ các công trình, dự án là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn cung vật liệu xây dựng (VLXD) chưa đảm bảo nhu cầu phục vụ thi công cho các dự án công trình, đặc biệt là các dự án trọng điểm của thành phố. Xung quanh vấn đề này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng.
PV: Thưa ông, Sở TN&MT đánh giá như thế nào về việc cung cấp VLXD trên địa bàn TP. Đà Nẵng thời gian vừa qua? Có những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì trong việc đưa vào quy hoạch cũng như cấp phép các mỏ VLXD thông thường để phục vụ các công trình, dự án?
Ông Nguyễn Hồng An: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 9 mỏ đá xây dựng, 1 mỏ đất làm vật liệu san lấp và 5 khu vực hoạt động khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình đang hoạt động khai thác. Khối lượng đá xây dựng, đất san lấp trong thời gian qua chưa đảm bảo nhu cầu phục vụ thi công cho các dự án công trình.
Về thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc đưa vào quy hoạch cũng như cấp phép các mỏ VLXD thông thường để phục vụ các công trình, dự án tại Đà Nẵng. Trong đó, phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đã tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023. Theo đó, quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đá xây dựng tại 14 khu vực, tổng diện tích 452,3 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quy hoạch là 87.324.500 m3 và quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đất san lấp tại 16 khu vực, tổng diện tích 872,04 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo là 87.240.000 m3.
Hiện nay, nhu cầu về khoáng sản làm VLXD thông thường cho các dự án động lực, trọng điểm trên địa bàn thành phố rất lớn. Tuy nhiên, để đưa mỏ vào hoạt động khai thác, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục pháp lý về khoáng sản, đầu tư, môi trường, đất đai,… theo quy định của pháp luật hiện hành phải mất nhiều thời gian. Trong khi yêu cầu tiến độ thời gian thi công các dự án này thường ngắn, đặc biệt là cung cấp đất làm vật liệu san lấp chỉ trong thời gian vài tháng trở lại. Việc thực hiện trình tự, thủ tục cấp phép khoáng sản VLXD thông thường như trên dẫn tới chậm tiến độ thi công các dự án này.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì khoáng sản làm VLXD thông thường không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với chủ sử dụng đất để có đất thăm dò khai thác, trong trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất thì không thể thực hiện các thủ tục theo quy định để đưa khu vực mỏ vào hoạt động khai thác khoáng sản.
PV: Được biết, UBND thành phố đã có Công văn cho phép các mỏ khai thác khoáng sản còn trữ lượng được nâng công suất khai thác, tuy nhiên đến nay các mỏ khai thác khoáng sản vẫn chưa được cấp phép nâng cấp trữ lượng và công suất. Vậy, Sở TN&MT phối hợp các Sở, ngành liên quan đã có giải pháp ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng An: Tại Thông báo số 127/TB-VP ngày 28/3/2024, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng thông báo ý kiến kết luận chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, có nêu: “Chỉ xem xét nâng công suất đối với các mỏ đang còn thời gian khai thác, trữ lượng khai thác và cao độ của các mỏ sau khi khai thác không được thấp hơn cao độ kết thúc theo ý kiến của Sở Xây dựng”.
Sau khi nhận được Công văn số 1802/SXD-HTKT ngày 20/3/2024 của Sở Xây dựng và tinh thần Thông báo số 127/TB-VP ngày 28/3/2024 của Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng nêu trên; ngày 29/3/2024, Sở TN&MT đã tổ chức cuộc họp với các Sở, ban ngành, địa phương liên quan và đại diện của 10 đơn vị đang hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng, cuộc họp thống nhất xác định được có 7/10 đơn vị đang khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố có nhu cầu nâng công suất khai thác. Hiện nay, các đơn vị đã tiếp nhận thông tin và đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục để nâng công suất mỏ.
Đồng thời, để chuẩn bị cơ sở pháp lý nhằm kiểm tra cao độ các mỏ VLXD khi các chủ mỏ nộp hồ sơ, ngày 15/4/2024, Sở TN&MT đã có Công văn số 1801/STNMT-KSTNN lấy ý kiến Sở Xây dựng liên quan đến cao độ phục hồi môi trường sau khai thác của các khu vực mỏ (trong đó có đề xuất các cao độ sau khai thác của các đơn vị đề nghị nâng công suất).
Qua trao đổi, Sở Xây dựng cho biết đã trình UBND thành phố phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu Sườn đồi (trong phân khu này có khoảng 9 mỏ vật liệu), đồng thời đang hoàn thiện để sớm tiếp tục trình UBND thành phố các đồ án quy hoạch phân khu Lõi Xanh và phân khu Công nghệ cao (trong đó có khu vực các mỏ vật liệu còn lại). Sau khi các đồ án quy hoạch phân khu nói trên được duyệt, sẽ có cơ sở pháp lý về các cao độ tại khu vực có mỏ vật liệu, đảm bảo tạo thành mặt bằng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
PV: Để chủ động nguồn cung VLXD (đất san lấp, cát, đá…) cho các dự án trên địa bàn, Sở TN&MT đã có kế hoạch và triển khai thực hiện ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng An: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND thành phố tại Thông báo số 127/TB-VP và qua kết quả tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan; ngày 24/4/2024, Sở TN&MT đã có Báo cáo số 231/BC-STNMT báo cáo UBND thành phố về thực trạng khai thác, nhu cầu sử dụng khoáng sản đá xây dựng và đất san lấp triển khai các dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2024 - 2025, đồng thời đã đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định một số giải pháp như sau:
Đối với đá xây dựng: Tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố cấp phép khai thác cho các đơn vị đã thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản. Nâng công suất khai thác cho 7 đơn vị đang khai thác (công suất nâng không quá 50% công suất hiện tại) theo chủ trương của UBND thành phố.
Đối với đất làm vật liệu san lấp: Tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố cấp phép khai thác cho các đơn vị đã thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản. Tham mưu cho UBND thành phố cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư công trình theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Khoáng sản và các khu vực mỏ đá xây dựng được bóc đất tầng phủ và vận chuyển đi làm
vật liệu san lấp trong quá trình khai thác.
Đối với đá xây dựng và đất làm vật liệu san lấp, lựa chọn một số khu vực nằm trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đã được duyệt để đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện theo quy định.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!