Gia nhập TPP- Cơ hội và thách thức đối với Dệt may Việt Nam

06/09/2013 00:00

(TN&MT) - Sáng 6/9, đã diễn ra Hội thảo Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đến DN Dệt may Việt Nam.

(TN&MT) - Sáng 6/9 tại UBND TP. Đà Nẵng, đã diễn ra Hội thảo chuyên đề: Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đến doanh nghiệp Dệt may Việt Nam.
   
  Việt Nam là nước xuất khẩu Dệt may đứng thứ 5 Thế giới, đóng góp 10% GDP cả nước. Trong 20 năm qua, ngành Dệt may không ngừng phát triển với tỉ lệ tăng trưởng bình quân 15% một năm và doanh thu toàn ngành đạt 20 tỉ USD tính đến năm 2012. Với những gì đã đạt được, Chính phủ đang nỗ lực mở rộng thị trường  quốc tế thông qua việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán tham gia vào Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) – khu vực chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam.
   
   
  Theo ông Nguyễn Văn Tuấn – Điều phối viên Ban quản lý dự án thì việc Việt Nam được gia nhập vào TPP là một cơ hội lớn. Bởi TPP gồm 12 quốc gia thành viên với tổng dân số lên đến 790 triệu dân,GDP bình quân mỗi năm đạt 17,2 tỉ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch toàn cầu. Do đó, việc gia nhập TPP sẽ mở ra cơ hội nhiều hơn là thách thức khi các DN Việt Nam có thể thu hút được nhiều đơn hàng, dành thêm thị phần  từ các đối thủ. Ông Tuấn cũng khẳng định rằng muốn tham gia TPP thì trước hết ngành Dệt may Việt Nam phải đáp ứng nguồn nguyên liệu nếu muốn hưởng ưu đãi khi mà Dệt may nước ta còn lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời, việc đào tạo được 140.000 công nhân kĩ thuật cao trong vòng 5 năm là điều không dễ. Do đó Chính phủ cần có chiến lược rõ ràng trong việc hoạch định vùng phát triển lụa, cũng như hướng đào tạo nguồn nhân lực trong những năm tới. Còn riêng đối với khu vực miền Trung thì tiềm năng lớn nhất đó chính là con người. Và với xu thế thời trang gắn với du lịch như hiện nay, TP. Đà Nẵng đang trên đà phát triển du lịch và từng bước trở thành Trung tâm thời trang – đầu tàu kéo theo sự phát triển của ngành Dệt may trong khu vực.
   
  Phát biểu tại Hội thảo, ông Phùng Tấn Viết- Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng  nhấn mạnh tỉ lệ số lượng DN tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung chiếm 10% cả nước nhưng tiềm năng để phát triển Dệt may là vô cùng thuận lợi. Các tỉnh miền Trung là một lựa chọn để mở rộng sản xuất, đầu tư mới. Hiện tại trên địa bàn Đà Nẵng có tổng cộng 80 DN Dệt may lớn nhỏ, là thành phố trọng điểm có vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành dệt may của khu vực. Đồng thời với cam kết sẽ dành nguồn vốn vay  với lãi suất ưu đãi cho các DN Dệt may của Ngân hàng Đông Á cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành Dệt may.
   
Thanh Thảo
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia nhập TPP- Cơ hội và thách thức đối với Dệt may Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO