Suối Hội Phú ô nhiễm và bốc mùi hôi |
Nước sông biến màu
Tại lưu vực sông Ba, đoạn qua bến đò xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, Gia Lai), bằng mắt thường có thể thấy rõ, nước sông có màu xanh, nổi váng và bốc mùi hôi tanh. Bà Rơ ô H’cheo (buôn Múk, xã Chư Ngọc) cho biết, tình trạng này xảy ra đã hơn 5 năm nay và gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân.
“Ngày trước, nước sông trong lắm, dân làng chúng tôi thường ra đây lấy nước về sinh hoạt. Từ khi nước sông Ba đổi sang màu xanh đục, tôi không dám sử dụng nữa và cũng rất lo lắng nước sông ảnh hưởng tới chất lượng nước giếng”, bà H’cheo cho hay.
Còn ông Lương Văn Toản - Trưởng thôn Thống Nhất (xã Chư Ngọc) cho biết, nước sông tại khu vực này chỉ bị pha loãng và giảm mùi hôi vào mùa mưa hoặc khi thủy điện sông Ba Hạ xả nước. Mùa khô, nước có màu xanh đậm và hôi hơn. Có nhiều thời điểm cá chết khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhất là vào tháng 4 và tháng 5. “5 năm nay, nước ở khu vực này bị ô nhiễm nên mỗi lần đi đánh cá về, tay chân tôi đều bị nổi mẫn ngứa rất khó chịu”, ông Toản nói.
Khu vực bến đò xã Chư Ngọc cũng là vị trí mà ngành TN&MT tỉnh Gia Lai đánh giá là khu vực thường xuyên bị ô nhiễm. Tháng 5/2016, khu vực này đã xuất hiện hiện tượng nở hoa tảo, với mật độ gấp 9000 lần so với quy định, được cảnh báo là sẽ gây hại đến các loài động vật thủy sinh và sức khỏe con người.
Theo ông Hà Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Chư Ngọc, khu vực sông Ba qua xã Chư Ngọc bị ô nhiễm một phần do ảnh hưởng từ hoạt động của 2 nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn và nước thải từ khu dân cư. Ngoài ra, do việc chặn dòng thủy điện khiến nước ở đoạn sông này ít luân chuyển, vào mùa khô nước sông xuống thấp làm giảm khả năng pha loãng. Từ đó, hình thành tảo xanh và bốc mùi hôi.
“Hiện nước sông không còn khả năng tiếp nhận thêm nguồn thải. Vì vậy, tôi mong các ngành chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý môi trường, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ hoạt động xử lý nước thải của các nhà máy sản xuất, không để xảy ra các sự cố, gây ô nhiễm nguồn nước”, ông Vinh nói.
Tương tự, sông Ba qua thị xã An Khê cũng thường xuyên phải chịu cảnh bốc mùi hôi thối, nổi bọt và chuyển màu đen. Theo ông Đặng Quốc Hoài Huy - Trưởng phòng TN&MT thị xã An Khê, trong quá trình hoạt động, một số nhà máy có xảy ra sự cố từ hệ thống xử lý nước thải, trong đó có Nhà máy Đường An Khê gây ô nhiễm sông Ba.
Bà Hồ Thị Mỹ Lệ (thôn 2, xã Thành An) đề xuất: “Chúng tôi rất mong ngành chức năng của thị xã An Khê và tỉnh Gia Lai đẩy mạnh việc quản lý hoạt động xả nước thải của Nhà máy Đường An Khê, không để xảy ra các sự cố môi trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Ba như những năm qua”.
Ngành chức năng tỉnh Gia Lai lấy mẫu nước sông Ba đoạn qua xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) để kiểm tra |
Nhánh suối đen giữa thành phố
Dẫn chúng tôi ra phía sau vườn, nơi một nhánh suối Hội Phú (nằm ở ranh giới phường Ia Kring và Hội Thương, TP Pleiku) chảy qua, ông Nguyễn Văn Cường (tổ 3, phường Ia Kring) than phiền: “Nước suối trước đây trong lành lắm, người dân còn đi lấy về để sinh hoạt. Nhưng những năm gần đây, càng ngày nước càng bị ô nhiễm nặng. Hơn 1 sào đất vườn của tôi không thể canh tác vì nước thải tràn vào, gây ngập úng và ô nhiễm”.
Đi dọc đoạn suối này có thể thấy, rác thải, bì ni lông từ đầu nguồn đẩy về vương đầy trên mặt nước. Mùa khô, lượng nước tụt giảm, không được lưu thông khiến con suối nhỏ giữa thành phố trở thành “dòng suối đen”, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân xung quanh suối.
Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Hữu Quế - Chủ tịch UBND TP Pleiku cho biết: Suối Hội Phú là nơi thu gom một phần nước sinh hoạt của thành phố Pleiku, bao gồm Trung tâm Thương mại Pleiku và các hộ dân sống dọc suối. Lượng nước thải này không được xử lý mà xả thẳng ra suối nên đã gây ô nhiễm nguồn nước.
Nhánh suối Hội Phú đổi dòng, tràn vào giữa vườn của người dân, gây ô nhiễm |
Thống kê từ Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Sở TN&MT đã lấy 667 mẫu nước mặt tại 23 vị trí trên địa bàn tỉnh Gia Lai để phân tích chất lượng nguồn nước. Phần lớn các vị trí quan trắc nước mặt cho chỉ số chất lượng nước ở mức độ trung bình, chiếm 54,55%.
Ngoài ra, một số địa điểm có nước mặt tương đối tốt có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần có các biện pháp xử lý phù hợp, chiếm 29,55% và khoảng 14,39% nước mặt đang ở trong tình trạng chất lượng kém. Các vị trí có chiều hướng ô nhiễm tập trung ở điểm xả thải khu dân cư, điểm tiếp nhận nước thải các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực suối Hội Phú.
Bà Lương Thị Tuyết Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai nhận định: Chất lượng nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai có xu hướng tốt trong giai đoạn trước năm 2016 và đang có chiều hướng ô nhiễm trong thời gian từ năm 2017 đến nay. Một số điểm quan trắc nước mặt tỉnh Gia Lai đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, vi sinh và dinh dưỡng, không đảm bảo cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bảo tồn động, thực vật thủy sinh hoặc mục đích tưới tiêu thủy lợi.
Một số điểm quan trắc nước mặt có nhiều biến động trong những năm qua, vượt giới hạn cho phép nhiều lần và cao hơn hẳn so với các vị trí còn lại như: lưu vực sông Ba đoạn qua cầu sông Ba (thị xã An Khê); nước mặt sông Ba tại thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa); khu vực suối Hội Phú (TP Pleiku); khu vực cầu Ayun (huyện Mang Yang); cầu Lệ Bắc (Krông Pa); suối Vối (thị xã An Khê).