Gia Lai: Nhiều khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi nông hộ

15/12/2014 00:00

(TN&MT) - Công tác quản lý, xử lý và giải quyết ô nhiễm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Gia Lai còn quá nhiều khó khăn và bất cập dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi...

   
 
(TN&MT) – Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các hộ gia đình đã và đang tạo ra nguồn thu lợi nhuận kinh tế khá ổn định cho nhiều nông dân, góp phần cải thiện đời sống của các gia đình. Thế nhưng, công tác quản lý, xử lý và giải quyết ô nhiễm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn quá nhiều khó khăn và bất cập dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe của con người và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên của khu vực.
 
   
   
Ở đâu có chăn nuôi, ở đó có ô nhiễm
   
  Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trong các hộ gia đình là hình thức làm kinh tế mà chúng ta vẫn thường gặp ở bất kỳ tỉnh thành nào trong cả nước và Gia Lai cũng không ngoại lệ. Theo thống kê không đầy đủ của ngành chức năng tỉnh Gia Lai, chỉ tính riêng khu vực thành phố Pleiku đã có đến hàng trăm hộ gia đình có chăn nuôi với khoảng trên 100.000 con heo, gà, chim cút, vịt. Chăn nuôi nông hộ diễn ra phổ biến từ làng quê đến thành phố, và ngay cả trong khu dân cư. Đây có khi chỉ là nguồn phụ thu cải thiện tài chính nhưng cũng không ít trường hợp là nguồn thu nhập chính của nông dân.
   
  Chăn nuôi là hoạt động thường ngày diễn ra trong nhiều năm liên tục, nhưng đa số các hộ chăn nuôi lại chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Gần các hộ chăn nuôi gia súc thường có mùi hôi thối nồng nặc, phát sinh nhiều ruồi nhặng, côn trùng. Chất thải từ chăn nuôi như phân, nước thải… chưa được quan tâm xử lý đúng cách, mà đều được thải bỏ trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến chất lượng nước mặt, nước ngầm; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân và tác động lớn đến môi trường sinh thái xung quanh khu vực chăn nuôi.
   
  Bà Nguyễn Thị Hồng (trú tổ 7, phường Đống Đa, TP Pleiku, Gia Lai) phản ánh: “Cách nhà tôi vài nhà có hộ chăn nuôi khoảng vài chục con heo, nhưng ko có hệ thống xử lý chất thải, tất cả từ phân đến nước rửa chuồng đều được xả ra vườn và xuống ruộng lúa đằng sau nhà. Đã 4-5 năm nay rồi, ngày nào làng xóm chúng tôi cũng phải sống trong mùi hôi thối, môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của cả khu vực xung quanh. Trong các cuộc họp tổ dân phố, chúng tôi đã ý kiến góp ý nhiều lần, cán bộ phường cũng có xuống kiểm tra nhưng tình hình không cải thiện là mấy”.
   
  Cùng chung cảnh ngộ với bà Hồng là bà con làng Klăh 2, xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, Gia Lai). Anh Bùi Kiên, một người dân sống trong làng bức xúc: “Hai năm nay, kể từ khi nhà Jon cho người Kinh thuê đất nuôi khoảng 200 con heo, cả làng phải sống chung với mùi hôi thối do nước phân heo của khu chăn nuôi thả hết ra vườn. Chúng tôi đã ý kiến nhiều lần lên xã nhưng không thấy giải quyết. Trước kia, tôi ở với bố mẹ gần đó, con cái suốt ngày bị bệnh, giờ phải chuyển ra chỗ khác ở, nhưng hằng ngày vẫn phải hít thở mùi hôi vì mùi này lan ra cả làng rồi”.
   
   
Chỉ có thể nhắc nhở, vận động (?!)
   
  Đó chính là cách giải quyết của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đối với những hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm đến môi trường. Ông Nguyễn Bá Trường, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Pleiku cho biết: “Nếu nói về chăn nuôi thì hầu hết các gia đình đều có chăn nuôi ít hoặc nhiều, trong khi cơ chế pháp luật về quy định quy mô trang trại chăn nuôi cũng như xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa chặt chẽ, vì vậy rất khó để giải quyết, xử lý bằng việc cấm không cho chăn nuôi. Nếu có đơn thư phản ánh thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra và nhắc nhở, vận động khắc phục. Trường hợp không khắc phục được ô nhiễm thì chỉ có thể bắt tạm dừng chăn nuôi trong một thời gian”.
   
  Theo quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trang trại, hộ nuôi quy mô trang trại từ 1000 con gia súc, gia cầm trở lên mới phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dưới 1000 con thì phải đăng ký làm Cam kết bảo vệ môi trường. Nhìn chung các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn TP Pleiku thuộc loại vừa và nhỏ, nhưng chỉ có duy nhất 2 trang trại ở khu vực xã Biển Hồ là có Cam kết bảo vệ môi trường, còn tất cả các hộ chăn nuôi còn lại đều không đăng ký và chưa hề có Cam kết bảo vệ môi trường. Như vậy, nếu áp dụng theo luật thì toàn bộ các cơ sở chăn nuôi chưa đăng ký Cam kết bảo vệ môi trường đều là phạm luật(!?).
   
   
  Hơn nữa, cơ sở chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhưng cán bộ chuyên trách về môi trường lại ít, không thể kiểm tra, kiểm soát hết tất cả các cơ sở chăn nuôi cũng như phát hiện ô nhiễm để xử lý kịp thời. Kinh phí xây dựng hầm bioga, hồ sinh học… để hạn chế ô nhiễm khá cao đối với các hộ chăn nuôi nông hộ, trong khi chương trình hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi bằng khoa học kỹ thuật tiến bộ còn rất ít.
   
  Ông Trường cho biết thêm, để khắc phục ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc thì vấn đề đặt ra đó là việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung nằm ngoài khu dân cư. Được biết, trong quy hoạch chung xây dựng TP Pleiku đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã có quy hoạch khu chăn nuôi. Tuy nhiên, trong khi dự án chưa được thực hiện, tỉnh Gia Lai cũng chưa có quy định không được phép chăn nuôi gia súc gia cầm trong khu dân cư, thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở các trang trại chăn nuôi nông hộ trên địa bàn sẽ vẫn diễn ra một cách khó kiểm soát và xử lý triệt để.
   
                     Bài & ảnh: Quế Mai
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Nhiều khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi nông hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO