Gia Lai: Đưa bia đá Chăm cổ về Bảo tàng để bảo vệ và nghiên cứu

17/04/2015 00:00

(TN&MT) - Bia đá cổ có khắc nhiều kí tự lạ được đồn thổi nhiều chuyện liên quan đến kho báu của người Chăm tại thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đắk Pơ, Gia Lai)...

 

(TN&MT) - Bia đá cổ có khắc nhiều kí tự lạ được đồn thổi nhiều chuyện liên quan đến kho báu của người Chăm tại thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đắk Pơ, Gia Lai) sẽ được đưa về trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai để bảo vệ và tiếp tục nghiên cứu.

Bia đá được đồn thổi có liên quan đến kho báu của người Chăm.
Bia đá được đồn thổi có liên quan đến kho báu của người Chăm.

Kho báu dưới bia đá lạ?

Bia đá cổ nằm trên gò đất cao, mặt quay về hướng Đông, được bao bọc xung quanh bởi những vườn mía bát ngát của người dân thôn Tư Lương. Bia đá có chất liệu sa thạch, cao gần 2m, chân rộng 1,5m, thu nhỏ dần về phía đỉnh. Điều đặc biệt là cả 2 mặt bia đá đều được khắc chằng chịt những dòng chữ lạ, mặt lớn có 8 dòng, mặt nhỏ có 3 dòng. Quanh chân bia đá, nhiều vết đào bới tìm kho báu sâu chừng 50 - 70cm vẫn còn nguyên. Do bị đào sâu dưới chân nên bia đá đã nghiêng hẳn về một bên.

Sau thời gian dài không ai để ý đến, bỗng dưng từ đầu năm 2010, rất nhiều người từ nhiều địa phương khác nhau đổ dồn về đây vì lời đồn có kho báu bên dưới bia đá lạ này. Bia đá bắt đầu nổi tiếng nhờ những câu chuyện về kho báu của người Chăm cổ được người dân truyền tai nhau. Không ai rõ thực hư thế nào, nhưng đến nay, nhiều người đến rồi ra về tay không, kho báu ở đâu vẫn là điều bí ẩn.

Đối với người dân địa phương, bia đá có ý nghĩa tâm linh đối với họ. Vì vậy, một số người dân ở đây không ai dám động đến bia đá này và họ luôn có ý thức bảo vệ, không cho bất cứ ai di dời, đưa đi nơi khác. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai: “Bia đá này là do người Chăm lên Tây Nguyên khắc để đánh dấu sự có mặt của họ ở vùng đất này. Còn về tâm linh, đây rõ ràng không phải là bia mộ nên việc di dời để bảo vệ và nghiên cứu sẽ không ảnh hưởng gì. Chắc chắn phía dưới nó càng không có kho báu”.

Những ký tự lạ trên bia đá đã mờ dần nhưng vẫn còn là điều bí ẩn.
Những ký tự lạ trên bia đá đã mờ dần nhưng vẫn còn là điều bí ẩn.

Cần di dời để bảo vệ và nghiên cứu

Sau thời gian dài dải nắng dầm mưa, những ký tự khắc trên bia đá đã phai mờ dần, không còn rõ nét như trước. Bia đá ghi những gì trên đó vẫn là điều bí ẩn đối với cả người dân địa phương và các nhà khoa học. Trong khi, hằng ngày vẫn có nhiều người dùng dụng cụ để đào bới dưới chân của bia đá làm cho nó bị trầy xước và có nguy cơ bị rạn nứt.

Trước nguy cơ bia đá bị xâm hại, dẫn đến hư hỏng, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã lập kế hoạch trình UBND tỉnh Gia Lai về việc di dời bia đá cổ này về sân Bảo tàng tỉnh để bảo vệ và cho du khách cùng tham quan. Đây cũng là con đường ngắn nhất để bia đá được các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm và các nhà khoa học tiếp cận, đọc và dịch toàn bộ nội dung trên bia, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu một giai đoạn lịch sử còn rất thiếu vắng về sử liệu của Gia Lai nói riêng của Tây Nguyên nói chung.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho biết, dựa trên bản rập của Viện khảo cổ học Việt Nam, chuyên gia người Hà Lan, ông Arlo Griffiths, hiện đang làm cho Viển Đông Bác Cổ Pháp đã dịch được một số thông tin ban đầu về bia đá như sau: “Chủ nhân của bia đá là người Chăm, năm lập bia đá 1438 (tức năm 1360 – niên đại Saka, cách đây gần 500 năm trước), dưới thời vua Yura Bhadravarman Deva”. Còn những chữ còn lại vẫn chưa dịch được.

Bia đá bị đào bới dưới chân, khiến bia nghiêng hẳn về một bên và có nguy cơ bị rạn nứt
Bia đá bị đào bới dưới chân, khiến bia nghiêng hẳn về một bên và có nguy cơ bị rạn nứt

 

Theo nghị số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ, mọi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định tại Điều 6 Luật di sản văn hóa, khi phát hiện hoặc tìm thấy đều thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về dân sự.

 

Bài & ảnh: Quế Mai

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Đưa bia đá Chăm cổ về Bảo tàng để bảo vệ và nghiên cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO