Giá điện tăng – cần những lý do thuyết phục

13/03/2015 00:00

(TN&MT) - Sau lần tăng giá điện gần nhất (ngày 1-8-2013), Chính phủ đã chính thức cho phép điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5% từ ngày 16-3-2015. Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là tại sao phải điều chỉnh, và điều chỉnh như thế nào là phù hợp?

Cần nhất là minh bạch

Điện là một mặt hàng đặc biệt nhưng cũng phải tuân thủ theo quy luật cung - cầu trên thị trường. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã từng phát biểu: Theo lộ trình phát triển ngành điện của Chính phủ, đến năm 2015 chúng ta sẽ đưa giá điện theo đúng thị trường. Mới đây, trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch, phải tính đúng, tính đủ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần yêu cầu ngành điện tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh. Báo cáo năm 2014 của EVN cho thấy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm mới chỉ dừng lại ở khối sinh hoạt, còn lĩnh vực công nghiệp (chiếm gần 54% sản lượng điện tiêu thụ) chưa hiệu quả. Trong khi đó, tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2015 mà EVN phải thực hiện là còn 8% trong khi tỷ lệ này vẫn ở mức 8,6%... Các chuyên gia cho rằng, tổn thất điện năng, lãng phí năng lượng trong khi nhu cầu sử dụng điện cao là nguyên nhân cơ bản làm cho hệ số đàn hồi (tăng trưởng tiêu thụ điện/GDP) cao, gây áp lực cho sự phát triển và dẫn đến hiệu quả của ngành điện giảm.

Một vấn đề nữa mà người tiêu dùng đặt ra cho ngành điện cần giải quyết trước khi đề cập đến việc tăng giá là tăng năng suất lao động. Theo số liệu khảo sát thì năng suất lao động của EVN đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu lấy giá trị sản lượng 120 tỷ kWh điện phát ra hàng năm trên tổng số lao động là 110.000 người, thì một người trong một năm chưa đạt được 1,1 triệu kWh điện.

Điều đáng chú ý là EVN đang độc quyền trong phân phối điện. Người mua điện từ các nhà máy và phân phối điện đến người tiêu dùng duy nhất trên thị trường là EVN. Đồng thời, EVN hiện sở hữu và nắm giữ cổ phần chi phối tại hầu hết các nhà máy sản xuất điện, tổng công suất các nhà máy này chiếm khoảng 64% sản lượng điện. Theo các chuyên gia kinh tế, khi thị trường điện cạnh tranh chưa hình thành, những thông tin về các chi phí sản xuất, sử dụng các nguồn lực… vẫn còn chưa cụ thể, công khai, minh bạch thì những lý do tăng giá bán điện đưa ra sẽ khó thuyết phục người sử dụng.

Chính phủ đã cho phép điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5% từ ngày 16-3-2015.

Điện tăng – Mối lo của doanh nghiệp

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu giá điện tăng thêm 7,5% thì chỉ riêng mặt hàng này sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,25% trong thời gian tới. Riêng trong tháng 3, mức độ phản ánh có thể mới chỉ khoảng 0,1%; còn lại sẽ phản ánh rõ rệt hơn trong CPI tháng 4.

 Ngoài CPI thì chỉ số giá sản xuất PPI chắc chắn cũng sẽ tăng lên do giá điện tăng. Mức độ tăng sẽ khác nhau giữa các ngành nghề, doanh nghiệp nhưng sẽ đặc biệt lớn đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng…

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, với lượng điện tiêu thụ bình quân 90 kWh để làm ra một tấn xi măng (tính từ công đoạn nung clinke đến công đoạn nghiền ra thành phẩm xi măng), các doanh nghiệp trong ngành xi măng đang đau đầu với việc tính toán lại chi phí đầu vào, tìm các giải pháp cắt giảm chi phí hợp lý, cân nhắc giá bán đầu ra sao cho phù hợp trong những ngày tới để có thể duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.

Ai cũng nghĩ chi phí đầu vào tăng chỉ cần điều chỉnh giá bán sản phẩm là xong, nhưng thực tế quyết định tăng giá bán đối với ngành xi măng vào thời điểm này tương đối khó bởi sức tiêu thụ vẫn còn yếu.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phản ánh, giá thép hiện nay vẫn đang giảm liên tục. Nếu tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá thép trong nước đã giảm trên dưới 1 triệu đồng/tấn. Trong khi doanh nghiệp còn đang xoay xở giảm giá bán thì chi phí đầu vào lại tăng, điều này gây thêm áp lực đối với kế hoạch sản xuất của ngành thép.

Với mức tiêu thụ bình quân 700 kWh điện cho mỗi tấn phôi thép, nếu giá điện tăng thêm 7,5% thì giá thành sản xuất tăng thêm 80.000 đồng/tấn phôi, đẩy giá thành tăng thêm 0,7%. Hiện nay toàn ngành thép chỉ duy trì khoảng 60% công suất sản xuất của các nhà máy thép xây dựng do nhu cầu thị trường chưa tăng và áp lực của nguồn thép nhập khẩu. Khá nhiều doanh nghiệp trong ngành đã cắt giảm sản lượng.

Phạm Thu Hà

 

 

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá điện tăng – cần những lý do thuyết phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO