EVN: Nỗ lực hiện thực hóa Quy hoạch Điện VIII
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) được đã định hướng tương lai phát triển của ngành điện. Để khẳng định vai trò trong quá trình chuyển dịch năng lượng của đất nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai đồng bộ các giải pháp, nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Xây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đại
Trong Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023 EVN giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo nhiệm vụ được giao; Thường xuyên rà soát, đánh giá cân đối cung - cầu điện, tình trạng vận hành hệ thống điện toàn quốc và khu vực, báo cáo các cấp có thẩm quyền; Thực hiện triệt để các giải pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, EVN đang triển khai thực hiện 14 dự án nguồn điện, trong đó có các dự án nguồn điện trọng điểm như: Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Yaly mở rộng, Thủy điện tích năng Bác Ái, Dung Quất 1, Dung Quất 3… Về lưới điện, theo Quy hoạch Điện VIII, trong giai đoạn 2021 - 2030, EVN cần hoàn thành 950 công trình lưới điện 500 kV - 220 kV, trong đó, EVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành đóng điện được 116 công trình trong các năm 2021 - 2022 và đầu năm 2023. Hiện EVN và các đơn vị thành viên đang được giao đầu tư 449 dự án lưới điện.
Đáng chú ý, Quy hoạch Điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và đến năm 2050 sẽ khoảng 67,5 - 71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện giảm lần lượt còn 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050.
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu trên, EVN đang tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu than của các nhà máy nhiệt điện than sang nguồn năng lượng sạch hơn, đồng thời, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo. EVN cùng các đơn vị thành viên đã nỗ lực tối đa, tạo mọi điều kiện cho các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp trong việc hoàn thành các thủ tục nhằm đưa các dự án này vào vận hành trong thời gian sớm nhất, hỗ trợ giảm phụ tải điện trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Đến ngày 25/8/2023, đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã vận hành thương mại đạt hơn 357 triệu kWh; trong đó, riêng ngày 24/6 đạt 7,6 triệu kWh, chiếm khoảng 0,8% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Quy hoạch Điện VIII đặt ra mục tiêu: Trong giai đoạn 2021 - 2030, sẽ xây dựng mới 49.350 MVA và cải tạo 38.168 MVA trạm biến áp 500 kV; xây dựng mới 12.300 km và cải tạo 1.324 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 78.525 MVA và cải tạo 34.997 MVA trạm biến áp 220 kV; xây dựng mới 16.285 km và cải tạo 6.484 km đường dây 220 kV.
Cần cơ chế, chính sách cụ thể
Để bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030, EVN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa các-bon, cũng như phát triển cân đối các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.
Theo EVN, nguồn điện hiện nay đã được đa dạng hóa nên EVN không còn độc quyền về phát điện. Để thực hiện nguồn và lưới điện tại Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD và tăng lên 399,2 - 523,1 tỷ USD cho giai đoạn 2031 - 2050. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo, tuy vậy, hiện chưa có chủ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.
Trong văn bản EVN góp ý cho dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, EVN đề nghị rà soát lại tính khả thi của một số dự án có tiến độ trong giai đoạn 2021 - 2025 trong khi chưa được giao chủ trương đầu tư hoặc chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trên cơ sở tiến độ dự kiến các dự án nguồn điện và lưới điện, đề nghị bổ sung các tính toán cân đối cân bằng cung cầu (bao gồm cân bằng công suất và cân bằng điện năng) cho từng vùng, từng năm trong giai đoạn đến năm 2030. Từ đó xác định quy mô nguồn điện (nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ…) cần vào vận hành từng năm tại mỗi vùng trong giai đoạn đến năm 2030 để đảm bảo cung ứng điện.
Liên quan đến các dự án nguồn điện, EVN cũng đề nghị được tiếp tục đầu tư 12 dự án nguồn điện, trong đó có 1 dự án đang vận hành và sẽ được chuyển đổi nhiên liệu sang khí Lô B (Nhiệt điện Ô Môn 1) cùng 3 dự án đang thi công. Với các dự án mới được phê duyệt trong Quy hoạch Điện VIII, EVN cũng đề nghị được giao đầu tư 8 dự án mới trên cơ sở mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu. Trong đó, EVN làm chủ đầu tư 3 dự án và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư 5 dự án. Tiến độ hoàn thành các dự án này là đến 2030. Cộng thêm đó là 2 dự án điện gió trên bờ đủ điều kiện để phát triển trong giai đoạn đến năm 2030.
Cùng với đó, EVN đề nghị đề xuất Chính phủ ban hành các các quy định, hướng dẫn, khung pháp lý về thủ tục đầu tư, cấp phép, thu xếp vốn, ưu đãi… cho việc đầu tư chuyển đổi nhiên liệu sạch cho các nhà máy nhiệt điện đốt than; Sớm triển khai nghiên cứu, quy hoạch và có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các vùng nhiên liệu sinh khối, chuỗi cung ứng nhiên liệu Amoniac/ sinh khối… đáp ứng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện đốt than trên toàn quốc theo kế hoạch chuyển đổi được nêu trong Quy hoạch Điện VIII.
Ngoài ra, EVN mong muốn Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện trong bối cảnh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn điện; Xây dựng, hình thành và hướng dẫn cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon, phát triển thị trường giao dịch tín chỉ các-bon…