Đừng để xảy ra điều tệ hại hơn

Ngọc Lý| 16/04/2020 10:58

(TN&MT) - Sức khỏe của con người đang bị tấn công từ mọi phía. Đã có thật nhiều những câu hỏi về nguồn gốc của các căn bệnh mới. Chúng thực sự xuất phát, bắt nguồn tư đâu? Có phải chăng, khi con người phá hủy đa dạng sinh học đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những chủng virus và bệnh tật mới?

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người ta quay trở lại điểm khởi phát của dịch bệnh và cảnh báo chợ buôn bán động vật hoang dã là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh toàn cầu. Dù chưa có những bằng chứng đầy đủ, nhưng những gì đã và đang diễn ra, ngày một thêm củng cố các lập luận và chứng lý khoa học xác đáng về sự “phản kháng” của thiên nhiên trước ứng xử thái quá của con người.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính ba phần tư các bệnh truyền nhiễm mới hoặc đang xuất hiện nơi con người đều bắt nguồn từ động vật. Chẳng hạn, chúng ta đã biết một số bệnh như bệnh dại và dịch hạch truyền từ động vật qua người cách nay nhiều thế kỷ. Một số bệnh khác như Marburg được cho là truyền từ loài dơi. Virus Marburg là tác nhân gây bệnh virus Marburg (Marburg virus disease-MVD), một bệnh có tỷ lệ tử vong đến 88% (được phát hiện vào năm 1967 sau khi các vụ dịch xảy ra đồng thời tại Marburg và Frankfurt ở Đức).

Ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã

Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), có liên quan đến loài lạc đà ở Trung Đông. Đây là bệnh mới và đã từng lây lan trên toàn cầu (do chủng virus Corona  mới gây ra vào năm 2012, lây lan ra 27 quốc gia và có đến 34,5% số ca nhiễm tử vong). Chưa có bằng chứng cụ thể nào từ các thử nghiệm lâm sàng cho bất kỳ một loại thuốc kháng MERS-CoV nào sử dụng cho người bệnh đã được xác định nhiễm MERS-CoV (báo cáo của WHO năm 2019). Và hiện nay, đại dịch COVID-19 cũng nằm trong “dòng chảy” của chủng này. Do đó, bảo vệ bản thân để phòng tránh lây nhiễm bệnh có ý nghĩa quan trọng.

Trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng của các loại dịch bệnh mới, các chuyên gia về sinh học và dịch tễ gọi các bệnh truyền nhiễm lây lan từ động vật đang xuất hiện là “mối đe dọa đang gia tăng và rất nghiêm trọng đối với sức khỏe, an ninh và kinh tế toàn cầu”.

Không chỉ vậy, quá trình nóng lên của Trái đất hay mất tầng ô zôn dường như cũng góp thêm tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Hiện tượng này tạo điều kiện thuận lợi cho các loài côn trùng mang mầm bệnh và sự phát tán của bệnh tật làm tăng nguy cơ dị ứng (như dị ứng đường hô hấp ở các vùng đô thị) cũng làm lan truyền một số bệnh vốn chỉ xuất hiện tại một số khu vực có điều kiện khí hậu nhất định. Sự lan truyền của một số loại bệnh có tính lây nhiễm cao đang trở thành mối lo ngại với các nhà chức trách đô thị lớn...

Các nghiên cứu cho thấy, sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật hoặc các nguồn khác như Ebola, Sars, cúm chim, và bây giờ là     COVID-19 do một loại virus Corona chủng mới gây ra - đang gia tăng. Các mầm bệnh đang từ động vật lây qua người và nhiều mầm bệnh có khả năng lây lan nhanh đến những nơi mới

Một câu hỏi đặt ra là: Có thể nào chính những hoạt động của con người như xây dựng đường sá, khai mỏ, nạn săn bắn trộm, phá rừng đã gây ra dịch Ebola và những dịch bệnh kinh hoàng ngày nay như COVID-19?

Chúng ta giết động vật hoặc nhốt chúng để mang ra chợ bán. Chúng ta phá vỡ các hệ sinh thái và khiến cho các virus sổng khỏi chỗ trú ẩn tự nhiên của chúng. Và, đến khi không còn nơi trú ngụ, những loại virus mà con người gọi là mới đó, cần một chỗ trú ẩn mới và chỗ trú mới, sẽ tìm đến chính chúng ta!(?).

Mầm bệnh không biết đến ranh giới giữa các loài. Bởi vậy, trước những gì chúng ta đang ứng xử với thiên nhiên, sẽ hoàn toàn không ngạc nhiên về sự bùng phát các loại dịch bệnh, kiểu như chủng virus Corona đang hoành hành.

Thiên nhiên đặt ra các mối đe dọa - điều đó dễ nhận thấy. Nhưng hoạt động của con người mới gây ra thiệt hại thực sự. Hãy cân nhắc trước mỗi hành động can thiệp vào tự nhiên. Bằng không, có thể chúng ta còn phải hứng chịu những điều tệ hại hơn sẽ đến.                  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để xảy ra điều tệ hại hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO