Dự báo khí tượng thủy văn: Đổi mới công nghệ để đạt chính xác cao hơn

Nguyên Sơn| 17/08/2021 09:48

(TN&MT) - Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khắc nghiệt, khó lường của thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), công tác dự báo khí tượng thủy văn nói chung và dự báo thiên tai nói riêng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những năm qua, công tác dự báo khí tượng thủy văn được Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đặc biệt chú trọng và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hệ thống quan trắc từng bước hiện đại

Hiện nay, mạng lưới quan trắc KTTV liên tục được cấy dày, tăng cường tự động hóa bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã hội hóa, gồm: 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 782 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm, điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm: 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng ô dôn - bức xạ cực tím và 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước, 18 trạm định vị sét.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, mạng lưới trạm đã được tập trung đầu tư phát triển, đưa vào hoạt động chính thức 735 trạm/công trình/phương tiện đo KTTV. Mạng lưới trạm quan trắc KTTV tự động được đầu tư từ nhiều dự án bằng các nguồn vốn khác nhau với tỷ lệ số lượng trạm tự động so với trạm hiện có như sau: Đo mưa độc lập: 782/782 trạm (100%); khí tượng: 103/181trạm (36%); thủy văn: 125/234 trạm (35%); hải văn: 21/27 trạm (77,8%); khí tượng cao không: 26/26 trạm (100%); trạm bức xạ: 14/14 trạm (100%).

Việc đầu tư các trạm đo mực nước tự động đã nâng cao chất lượng dự báo thủy văn trên các hệ thống sông, hồ đập, công trình thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là dự báo xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long giúp các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi mùa vụ, giống cây, vật nuôi phù hợp, hiệu quả.

 

Chất lượng dự báo được nâng cao

Tổng cục KTTV cho biết, công nghệ dự báo bão hiện nay đã được nâng thời hạn dự báo lên 5 ngày. Độ chính xác trong dự báo vị trí và cường độ bão của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Các bản tin dự báo bão được phát sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ so với trước đây để kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đã bước đầu đưa nội dung tác động của thiên tai đến ngành nghệ như nông nghiệp, giao thông, thủy sản…

Đối với dự báo hải văn, Tổng cục KTTV cho biết, các yếu tố hải văn được triển khai dự báo nghiệp vụ từ năm 2008 và đã có những tiến bộ nhanh chóng do ứng dụng công nghệ hiện đại từ các nước phát triển như Nhật Bản, Na Uy, Mỹ…

Độ phân giải của mô hình dự báo sóng, dòng chảy và nước dâng do bão, tương ứng đã chi tiết đến 4 km, 3 km và 2 km nhờ sự hỗ trợ của siêu máy tính. Sóng biển được triển khai dự báo tổ hợp với thời hạn dự báo đến 10 ngày. Nước dâng do bão được thực hiện với thời hạn dự báo 3 ngày và cảnh báo từ 3 - 5 ngày. Công nghệ dự báo dòng chảy biển cho phép cung cấp thông tin đến 10 ngày trên vùng biển ngoài khơi và ven bờ.

Độ chính xác, tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao. Công nghệ dự báo thủy văn đã có nhiều thay đổi thông qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế. Cùng với đó, các mô hình thủy văn, thủy lực, hệ thống cảnh báo lũ quét có sử dụng nguồn dữ liệu đa dạng từ các trạm quan trắc truyền thống, trạm tự động, dữ liệu ước lượng mưa vệ tinh, từ các mô hình dự báo thời tiết số trị. Nâng cao chất lượng dự báo, thời hạn dự báo, cảnh báo sớm được các đợt mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo khí tượng thủy văn: Đổi mới công nghệ để đạt chính xác cao hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO