Dự báo đúng, sớm để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Tuyết Chinh (thực hiện)| 31/12/2020 14:26

(TN&MT) - “Thực sự thiên tai trong năm qua đã xảy ra vô cùng khốc liệt, đến mức mà bản thân những người làm công tác phòng chống thiên tai cảm thấy như “chưa từng trải qua”. Song, cơ quan dự báo đã có nhận định, cảnh báo khá tốt về năm 2020, nhờ đó đã giảm tối đa sự thiệt hại cũng như có kế hoạch phòng chống hiệu quả”.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khi trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên và Môi trường về tình hình phòng chống thiên tai năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp

PV: Ông đánh giá về tình hình thiên tai bão lũ năm 2020 như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:

Trước hết, phải khẳng định cơ quan dự báo quốc gia đã dự báo khá tốt về năm thiên tai sẽ diễn ra bất thường ở Việt Nam. Ngay từ tháng 10/2019, đơn vị dự báo quốc gia đã đưa ra cảnh báo trong năm 2020, khả năng xảy ra hạn ở miền Nam, một mùa mưa bão dồn dập vào cuối năm, tập trung trong hai tháng 10, tháng 11/2020 và lũ lụt lớn ở miền Trung. Thực tế, những gì đã xảy ra trong năm qua vô cùng khốc liệt, đến mức mà với bản thân những người làm công tác phòng chống thiên tai có những thời điểm đã cảm thấy chưa từng trải qua.

Đầu năm đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều thời điểm, hạn, mặn vượt qua mốc lịch sử năm 2016. Đến giữa năm chúng ta chứng kiến hạn hán lan ra đến Ninh Thuận, Bình Thuận, có những thời điểm người dân không còn nước uống. Thế nhưng, bão, lũ lụt xảy ra năm 2020 đã vượt qua cả những cột mốc lịch sử đó và dự báo thông thường. Chúng ta đã chứng kiến 6 cơn bão đổ bộ liên tục, dồn dập “nối đuôi nhau” đến mức không có thời gian để người dân phục hồi lại.

Một điểm đáng lưu ý nữa là sạt lở đất thường xảy ra ở miền núi phía Bắc, nhưng năm nay lại tập trung ở miền Trung do mưa lớn liên tục đổ xuống. Với lượng mưa ấy nếu đổ vào miền núi phía Bắc thì chắc chắn còn thiệt hại nhiều hơn, bởi vì địa hình khu vực này không có chỗ nào bằng phẳng.

Hiện nay, miền Bắc đang trải qua mùa Đông được dự báo là đặc biệt lạnh. Đề phòng thời tiết dị thường từ đầu năm đến nay, chúng ta cần chú ý cảnh giác những đợt rét đậm, rét hại, cực đoan có thể xảy ra.

Ninh Thuận cần tìm nguồn nước tưới cho sản xuất vào mùa hạn năm nay

PV: Trước tình hình thiên tai khốc liệt như vậy, điều gì khiến ông lo ngại nhất?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:

Lo ngại lớn nhất là tính dị thường như vậy sẽ không đi theo một quy luật nào. Bởi vì nguyên tắc của dự báo là dự báo theo mẫu số lớn, big data, tức là dùng số lớn từ đó tính ra quy luật; song đến thời điểm hiện tại rất nhiều quy luật đã bị phá vỡ. Điều này gây khó khăn rất lớn cho công tác dự báo, hệ lụy tiếp theo là chúng ta mất tính chủ động.

Điều đáng lo nữa là do tính dị thường dẫn đến sức chống chịu của con người cũng như cơ sở hạ tầng trước thiên tai không đảm bảo. Khi chúng ta chưa có điều kiện chống chịu hoặc đầu tư một cách đầy đủ, bài bản, nếu thiên tai xảy ra một cách dị thường, vượt qua khỏi tất cả những quy luật, lúc đó sức chịu đựng sẽ lộ ra những bất cập. Mặc dù người miền Trung rất giỏi trong ứng phó với lụt, nhưng lụt trước đây chỉ vài ngày thôi, họ hoàn toàn chủ động chuẩn bị vật chất, tinh thần, thức ăn nước uống.

PV: Trước những lo ngại như vậy, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của các biện pháp ứng phó?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:

Tổng kết 20 năm đợt mưa lũ lịch sử (năm 1999) ở miền Trung xảy ra trong 3 ngày, lũ đặc biệt lớn đã có 315 người chết. Đợt mưa lũ ở miền Trung hồi tháng 10, 11/2020 kéo dài gấp 4 lần, trải dài khắp 8 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (so với đợt lũ năm 2000 chỉ 4 tỉnh là Quảng Nam, Huế, một phần Quảng Bình, Quảng Trị), các mốc lịch sử đã bị phá vỡ, nhưng số người chết giảm (116 người).

Bên cạnh đó, thiệt hại về tiền năm nay khá lớn, hạ tầng cũng bị tàn phá nhiều. Song theo các đồng chí lãnh đạo ở các tỉnh, dù mưa lũ lớn kéo dài nhưng thiệt hại về hạ tầng và tài sản vẫn ít hơn nhiều so với năm 1999. Chính nhờ dự báo đúng và sớm cùng với kinh nghiệm của người dân miền Trung đã giúp chính quyền và người dân chủ động ứng phó.

Ngoài ra, mặc dù sức chống chịu của cơ sở hạ tầng còn kém xa so với yêu cầu, song theo thời gian cũng được đầu tư nhiều hơn (nền cứng, mái cứng…) cũng giúp giảm đáng kể những thiệt hại do thiên tai so với 20 năm trước.

PV: Những yếu tố nào mà ông cho là cần thiết trong ứng phó thiên tai, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:

Thiên tai liên quan đến mọi người, mọi lĩnh vực. Bộ NN&PTNT chỉ là cơ quan thường trực trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Trên thế giới, nhiều nước có Bộ Ứng phó tình trạng khẩn cấp, tất cả các vấn đề khẩn cấp được đưa lên xử lý; đồng thời có lực lượng cứu hộ, cứu nạn riêng được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Trong khi đó, Việt Nam có 2 cơ quan là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ở nước ta, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn trông chờ vào quân đội, công an và rất nhiều việc dân sự cũng phải làm. Như vậy, ngay về mô hình cũng cũng còn chưa thống nhất, bài bản và chuyên nghiệp.

Tiếp đó, phòng chống thiên tai phải có sự tham gia đồng bộ của tất cả Bộ, ngành, địa phương. Với mỗi ngành, lĩnh vực, làm gì cũng phải tính đến yếu tố thiên tai; hay nói cách khác là phải lồng ghép thiên tai vào toàn bộ tổng thể quy hoạch chiến lược, dự án. Về nguyên tắc, quản lý Nhà nước phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn trong tất cả các lĩnh vực. Ngay khi xây dựng một khu du lịch, ở đồng bằng khác vùng biển hay miền núi, nếu cứ lấy một mô hình lắp ráp chung sẽ không đạt hiệu quả ứng phó. Đây là câu chuyện cần được nhìn nhận đúng đắn.

Để giải quyết việc này có rất nhiều giải pháp; trong đó có những giải pháp không cần đến kinh phí như ý thức của cộng đồng; trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, cấp, ngành, địa phương. Nếu làm tốt và phát huy sẽ ngay lập tức có hiệu quả bền vững. Mặt khác, chúng ta cũng cần một lực lượng chuyên nghiệp đi kèm với những thiết bị chuyên nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo đúng, sớm để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO