Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật, lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội, Ủy ban Kinh tế, lãnh đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách cùng các thành viên xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường là cần thiết, đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, vấn đề môi trường là một trong ba trụ cột để phát triển đất nước, tuy nhiên hiện nay đã có nhiều thay đổi, đặt ra những yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật BVMT, đó là: Môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; Chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép; Xu thế hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới đang có nhiều thay đổi, các quốc gia ngày càng coi trọng nhiều hơn đến lợi ích của quốc gia, tạo ra sự gia tăng các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, chuyển dịch ô nhiễm sang các nước đang phát triển; Thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra sự phát triển vượt bậc về trình độ khoa học công nghệ, đặt ra cơ hội, yêu cầu đổi mới về tư duy, cách thức trong quản lý môi trường; Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường, đòi hỏi phải sớm thể chế hóa để thực thi, khẳng định trách nhiệm và vị thế của quốc gia…
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết để có thể đáp ứng kịp thời với xu thế và nhu cầu phát triển hiện tại.
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng mong muốn, thông qua Hội nghị thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường các đại biểu sẽ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để Ban soạn thảo hoàn thiện Dự án Luật môi trường sửa đổi và trình Quốc hội trong thời gian tới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Trần Văn Minh phát biểu |
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Trần Văn Minh, hồ sơ dự án Luật của Chính phủ trình là dự án Luật BVMT (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật BVMT năm 2014 thay vì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường như Nghị quyết số 78/2019/QH của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Bên cạnh 7 chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật của Chính phủ tại Tờ trình số 48/TTr-CP, dự án Luật bổ sung 06 chính sách mới, kèm theo Báo cáo đánh giá tác động của cả 13 chính sách.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường lần này được đưa ra với mục tiêu là hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về BVMT.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường lần này xây dựng trên quan điểm: Đảm bảo mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT; lấy bảo vệ sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu;thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế về BVMT, bảo đảm cùng với kinh tế, xã hội, các yêu cầu BVMT phải ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển KT-XH bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu |
Dự án Luật sẽ đóng vai trò là luật cơ bản, quy định toàn diện, tổng hợp, thống nhất các nội dung về BVMT, khắc phục sự chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về BVMT của các luật có liên quan; Tạo nền tảng pháp lý để hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường đồng thời khắc phục được mặt trái của kinh tế thị trường; áp dụng đầy đủ nguyên tắc “Người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền”, “Người hưởng lợi từ giá trị của môi trường phải chi trả”.
Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, đi đôi với tăng cường cải thiện, phục hồi, nâng cao chất lượng môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính cũng như tăng cường công bố, công khai thông tin về môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đi đôi với đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện cho các dự án, loại hình thân thiện môi trường.
Thống nhất quản lý nhà nước về BVMT trên phạm vi cả nước. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện; trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm.
Hiện nay, dự thảo Luật đã được lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước; đăng tải trên các cơ quan truyền thông đại chúng.
Ban soạn thảo cũng đã dịch toàn bộ dự thảo Luật để lấy ý kiến tham vấn các tổ chức quốc tế; trực tiếp làm việc với VCCI về dự thảo Luật. Bộ Tư pháp đã họp và có Báo cáo thẩm định dự án Luật; Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án Luật tại phiên họp thường kỳ tháng 2 năm 2020. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội.
Hội nghị thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường |
Dự thảo Luật bám sát 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, cụ thể: Nhóm chính sách về tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư; Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; Quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; Nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường; Quản lý chất lượng môi trường; Quản lý cảnh quan thiên nhiên; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường; Quan trắc thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường; Hội nhập, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Dự án Luật BVMT (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội Khóa XIV
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Trần Văn Minh cho biết: Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về hoạt động BVMT; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động BVMT; Trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT… với rất nhiều nội dung quy định chính sách mới theo hướng thay đổi/đổi mới cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý có tính cách mạng trong hoạt động BVMT cho phù hợp hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.
Đại biểu Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT phát biểu tham luận |
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, với những đề xuất sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì việc đổi tên dự án Luật thành Luật BVMT (sửa đổi) là phù hợp; đồng thời đề nghị Ủy ban TVQH xem xét, thống nhất phương án trình Quốc hội dự án Luật BVMT sửa đổi.
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo để có được tài liệu công phu và đầy đủ, đặc biệt những tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường của các đại biểu Quốc hội nêu lên, những vướng mắc bất cập được đoàn giám sát Quốc hội chỉ ra đã được Ban soạn thảo tiếp thu hết sức nghiêm túc và từng bước thay đổi và cụ thể hoá vào trong dự thảo luật.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề trong báo cáo thẩm tra về: tính hợp hiến, hợp pháp của Luật; Sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng; Tính tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; Việc đánh giá tác động của chính sách có đảm bảo điều kiện để thay đổi từ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BVMT thành Luật BVMT sửa đổi; Tính cụ thể, phù hợp của các quy định trong Dự thảo Luật, chất lượng các dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết; Về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự án Luật; Hồ sơ của dự án Luật (tính đầy đủ, kịp thời, chất lượng của từng loại văn bản trong hồ sơ) có đảm bảo theo quy định của pháp luật…
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tham luận |
Các đại biểu thống nhất cho rằng, tuy còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và hoàn thiện nhưng Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy Hồ sơ dự án Luật BVMT (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, cơ bản đầy đủ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí cho rằng, dự án Luật BVMT (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội Khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.
Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN&MT Phan Xuân Dũng thống nhất với các quan điểm của đại biểu tham dự về tính nhất thiết, cấp thiết của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường lần này. Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị dự án luật đồ sộ và công phu.
Về quy mô sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng đồng quan điểm với các ý kiến thống nhất sẽ chuyển từ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường sang Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để đáp ứng với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới của ngành, của lĩnh vực trong công tác quản lý, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng đề nghị các cơ quan chuyên môn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp, dành trí tuệ, tâm huyết, thời gian để góp ý xây dựng dự thảo luật lần này, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, với nguyện vọng của các đại biệu quốc hội và cử tri của cả nước.
Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý nội dung dự thảo Luật cũng như bố cục, ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản, đồng thời hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội theo quy định pháp luật.