Đồng Nai: Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường

Tường Tú| 04/03/2021 09:43

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường, từ đó có những đóng góp hiệu quả vảo quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai.

Kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, trong giai đoạn 2016 - 2020, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai tiếp tục được xây dựng theo hướng phát triển bền vững, toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, nhóm chỉ tiêu về môi trường được đặt ra với mục tiêu duy trì bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng môi trường sống và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2019, các chỉ tiêu về môi trường đều được Đồng Nai hoàn thành theo mục tiêu theo căn cứ tại Quyết định số 2325/QĐ/UBND ngày 25/7/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chương trình Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết Tỉnh ủy Đồng Nai hàng năm đề ra.

Đồng Nai rất quan tâm đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp nhằm kiểm soát chặt chất lượng nước thải sau xử lý

Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, góp phần tạo bước chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân; hạn chế tình trạng ô nhiễm, cải thiện các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng và các vấn đề môi trường cấp bách; tăng cường, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Việc phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện, ký kết liên tịch để tuyên truyền, hoạt động và để xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường trong tầng lớp nhân dân đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều mô hình được bảo vệ môi trường được nhân rộng, phát huy.

Đối với công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Đồng Nai đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tác động môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả, từ năm 2015 đến tháng 6/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt và ủy quyền thẩm định, phê duyệt trên 550 hồ sơ báo cáo ĐTM và hồ sơ tương đương; Sở TN&MT Đồng Nai, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và UBND các huyện cấp, xác nhận 962 hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và hồ sơ tương đương. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cấp và ủy quyền cấp 313 giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án theo quy định.

Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ nước thải phát sinh tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã được giao rà soát các đơn vị sản xuất kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) và yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát theo quy định. Riêng đối với lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 17/17 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải trên 1.000 m3/ngày (không bao gồm các chủ đầu tư KCN) đã thực hiện lắp đặt quan trắc tự động nước thải và truyền dữ liệu về Sở TN&MT.

Đồng thời, Sở TN&MT Đồng Nai đã tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ các "điểm nóng" về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Sở TN&MT đều xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm tra, giám sát đối với 15 cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ phát sinh gây ô nhiễm môi trường cao. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát; Sở TN&MT Đồng Nai đã kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, hạn chế tình trạng khiếu kiện phát sinh, hình thành các "điểm nóng" trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Sở TN&MT Đồng Nai còn tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ về tài nguyên và môi trường theo kế hoạch được phê duyệt; triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai cũng như phản ánh của người dân. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý triệt để, có 97/99 cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm. Từ năm 2016 đến năm 2020, Sở TN&MT Đồng Nai đã trực tiếp ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường với tổng số 860 quyết định với tổng số tiền hơn 48,5 tỷ đồng.

Giải quyết các vấn đề về môi trường

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, trong giai đoạn 2021 - 2025, để công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; Đồng Nai sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường, công cụ nhằm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Tùy theo tình hình thực tiễn nổi lên trong từng giai đoạn, Sở TN&MT Đồng Nai cùng với các Sở, ban, ngành có liên quan sẽ phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường nổi lên, không để hình thành các “điểm đen”, “điểm nóng” về bảo vệ môi trường, tài nguyên trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai cũng sẽ chỉ đạo rà soát, hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết hàng năm của Tỉnh ủy Đồng Nai; tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng đến tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế phát sinh rác thải nhựa; tiếp tục tổ chức thực hiện 12 nhóm dự án liên quan đến bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; thực hiện di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở chăn nuôi không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn các huyện, TP. Long Khánh và TP. Biên Hòa.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Mặc dù khối lượng công việc khá lớn, công tác quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn được Đồng Nai triển khai thực hiện tốt, giúp theo dõi, giám sát, cảnh báo và triển khai xử lý kịp thời. Đồng Nai còn lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc tự động nước thải tại 25 hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN để kiểm soát chặt chẽ việc xử lý nước thải; sẽ được lắp đặt 6 trạm quan trắc nước mặt gồm 5 trạm trên sông Đồng Nai, 1 trạm trên sông Thị Vải theo Dự án thành phần Tăng cường thể chế và thực thi thuộc Dự án “Quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy”. Qua đó, tỉnh Đồng Nai kịp thời theo dõi, giám sát, cảnh báo về chất lượng môi trường đến các địa phương, nhất là các hộ nuôi cá bè, nuôi trồng thủy sản về tình trạng chất lượng nước, giảm thiểu thiệt hại do ô nhiễm nguồn nước hay do thiên tai gây ra.

Song song đó, tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp với Bộ TN&MT trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải” trên phạm vi cả nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Đồng Nai sẽ chỉ đạo rà soát, đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiềm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quan trắc tự động môi trường; tiếp tục chỉ đạo quan trắc các thành phần môi trường đất, nước, không khí, nước dưới đất, trầm tích theo mạng lưới quan trắc giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng Nai cũng sẽ chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, kiểm tra việc đấu nối nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp trong các KCN và tăng cường kiểm tra hoạt động thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN; chỉ đạo giám sát việc xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong KCN và giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp hoàn thành lập thủ tục môi trường, đầu tư các hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định.

Bên cạnh đó, Đồng Nai sẽ chỉ đạo tổ chức nhân rộng các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm phát sinh chất thải nguy hại ở các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP; rà soát, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường; chỉ đạo xử lý nghiêm việc khai thác tài nguyên không phép, trái phép, hành vi gây ô nhiễm môi trường; tổ chức kiểm soát tốt các tác động đến môi trường của các dự án được cấp phép, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là những dự án lớn, công nghệ phức tạp và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Đặc biệt, Đồng Nai sẽ chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước; áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong xử lý chất thải. Đồng thời, Đồng Nai cũng sẽ tăng cường năng lực quan trắc môi trường và ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quan trắc chất lượng môi trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm; tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn; khắc phục, cải tạo môi trường tại các khu vực đã bị ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các khu đô thị, khu dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO