Làng tỷ phú, làng ô nhiễm
Những năm trở lại đây, làng nghề dệt và sản xuất bánh kẹo La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) ăn nên làm ra và giúp nhiều người trở thành tỷ phú, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên mặt trái của nó là tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất xả trực tiếp ra môi trường (cụ thể là kênh T3A chạy qua địa phận xã).
Có mặt tại thủ phủ gia công bánh kẹo những ngày cuối năm, hình ảnh quen thuộc là những đoàn ô tô, xe ba gác ra vào tấp nập chở bánh kẹo, vải len … phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Tìm hiểu của PV được biết, xã La Phù có khá nhiều hộ sản xuất dệt len, nhuộm vải và sản xuất bánh kẹo. Chính vì thế, nước thải công nghiệp của các hộ trong quá trình làm nghề đều xả thẳng ra 2 kênh tiêu nhỏ rồi đổ ra kênh tiêu T3A – kênh tiêu liên xã.
Tại đây, hình ảnh dễ dàng nhận thấy là dòng nước thải đen ngòm, đặc kịt bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều đoạn kênh, váng bẩn và rác thải két lại thành những mảng lớn, khô cứng lại như bùn và nổi rêu xanh lét. Chia sẻ với PV, bác Nguyễn Văn Thành, một hộ dân sống gần đó cho biết: “Con kênh này lúc nào cũng đen đặc và bốc mùi như thế. Vào mùa nước to, nước cũng không hết màu đen. Vào những ngày hanh khô như thế này, nước đặc lại trông như bùn, bốc mùi thối không thể chịu được. Ở đây, các hộ sản xuất sợi, len ... đều bắc ống xả thẳng ra kênh chứ có qua hệ thống xử lý nào đâu. Chúng tôi sợ nguồn nước này sẽ ngấm vào đất và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.
Tìm hiểu của PV được biết, ở La Phù có rất nhiều nhà làm nghề nhuộm, nhưng chỉ có một vài hộ là nhuộm được hàng dệt kim với số lượng lớn, còn lại là sản xuất nhỏ lẻ, khách hàng đặt số lượng bao nhiêu thì đáp ứng bấy nhiêu. Đa phần người làm nghề dệt từ đời ông cha truyền lại, rất thủ công và tự phát, nên khó xử lí các chất thải trong quá trình sản xuất. Đó là chưa kể tới việc, nhiều hộ kinh doanh chưa có ý thức cao trong công tác bảo vệ môi trường, vứt rác thải tràn lan, bừa bãi trên bờ, trên đường làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước gây tình trạng ứ đọng dòng chảy.
Mong muốn có hệ thống xử lý nước thải tập trung
Nhằm tìm hiểu thêm thực trạng ô nhiễm tại địa phương này, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã La Phù. Tại buổi làm việc, vị phó chủ tịch xã thừa nhận tình trạng ô nhiễm tại kênh T3A và cho biết, hiện nay làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên vẫn còn tình trạng những cơ sở sản xuất sợi, len … xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
“Tôi khẳng định trên địa bàn xã La Phù hiện nay không còn cơ sở sản xuất bánh kẹo nào. Chủ yếu người dân đã chuyển dịch theo hướng dịch vụ, buôn bán và gia công bánh kẹo. Những chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo trước kia đã chuyển địa điểm sản xuất sang các cụm công nghiệp xung quanh, sau đó chuyển thành phẩm về đây để buôn bán hoặc gia công thêm. Hiện nay, xã La Phù chỉ còn những cơ sở dệt sợi nhưng đều áp dụng công nghệ hiện đại (khoảng hơn chục hộ). Một số ít còn lại là sản xuất bằng phương pháp thủ công. Ngoài ra, một số hộ còn tổ chức chăn nuôi nên nguồn nước thải đều đổ trực tiếp ra hệ thống kênh tiêu thoát của xã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường” – Ông Khoa cho biết.
Lý giải về hình ảnh nước thải đen ngòm tại kênh T3A, ông Khoa phân tích: “Nhìn bằng mắt thường, dòng kênh quả thực rất bẩn và gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên nếu đổ lỗi hết cho việc xả thải của xã La Phù e không hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ đây là kênh liên xã: An Khánh – An Thượng – La Phù. Xã chúng tôi là cuối nguồn trước khi kênh đổ ra sông Đáy nên cặn thải đều tích tụ ở đây nên nhìn trông rất mất mỹ quan. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các công ty thủy lợi để tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy”.
Nói về giải pháp sắp tới để giải quyết dứt điểm tình trạng các hộ kinh doanh xả thải trực tiếp ra môi trường hiện nay, ông Nguyễn Hữu Khoa cho biết thêm: “Xã thường xuyên có văn bản kiểm tra và thông báo tới những hộ sản xuất nhỏ lẻ về việc giữ gìn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên do đặc thù một số hộ sản xuất nhỏ lẻ nên việc yêu cầu họ chấp hành các quy định là rất khó khăn. Chúng tôi rất mong muốn làng nghề sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đó là mong mỏi của người dân và chính quyền xã La Phù để chúng tôi có thể giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất”.