Đồng bằng sông Cửu Long: Cần chủ động ứng phó xâm nhập mặn gia tăng

03/02/2015 00:00

(TN&MT) - Những ngày gần đây, dòng chảy trên các sông vùng đồng bằng sông Cửu Long hầu như đều giảm dần và thiếu hụt từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm.

(TN&MT) - Những ngày gần đây, dòng chảy trên các sông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hầu như đều giảm dần và thiếu hụt từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Mực nước trên các kênh rạch cũng thấp hơn TBNN, đây là những nguyên nhân chính khiến xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, đặc biệt là các tỉnh vùng hạ lưu ven biển.
   
Nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL bị chết khô vì nước mặn xâm nhập.
   
Mặn xâm nhập cao và sâu hơn do thiếu hụt  lượng dòng chảy
   
  Ông Hoàng Minh Tuyển, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng: Về cơ bản, mặn biến đổi theo mùa tương ứng với chế độ của dòng chảy sông. Vào mùa lũ, do lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn, thủy triều mặn không thể hoặc khó xâm nhập sâu vào trong mạng lưới kênh rạch, đồng ruộng và bị nước sông “ngọt hóa”. Trái lại, trong mùa cạn nước sông từ thượng lưu chảy về giảm đáng kể, nhỏ và tương đối ổn định, nên mặn theo thủy triều xâm nhập sâu vào trong mạng lưới sông ngòi, kênh rạch và đồng ruộng vùng ven biển.
   
  Tuy nhiên, mấy năm gần đây, dòng chảy trên các sông vùng ĐBSCL liên tục giảm dần và thiếu hụt nên mực nước trên các kênh, rạch đều thấp. Điều đó khiến cho tình hình xâm nhập mặn ở khu vực này ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn. Tại tỉnh Kiên Giang, nơi có hơn 200 km diện tích giáp với biển tây, tình hình xâm nhập mặn đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, diện tích nhiễm mặn ngày càng nhiều hơn. Tại 2 huyện An Biên, An Minh nơi chưa có các công trình ngăn mặn, nước mặn dường như bao vây toàn khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Vùng tứ giác Long Xuyên, mặc dù hệ thống cống gần như hoàn chỉnh nhưng nước mặn từ cửa sông Rạch Giá đổ vào kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên theo thủy triều dâng khiến cả một vùng đất rộng tiếp giáp với kênh xáng bị mặn xâm nhập với nồng độ hơn 4‰.
   
  Còn tại tỉnh Sóc Trăng, độ mặn cũng đã lên cao và xâm nhập sâu vào nội đồng đã làm thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu của bà con nông dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năm vừa qua, nước mặn về sớm hơn một tháng (so với cùng kỳ năm trước, độ mặn cao và xâm nhập sâu vào nội đồng). Kết quả đo độ mặn cho thấy, ở huyện Trần Đề lên đến 21,2‰, cao hơn cùng kỳ 6,3‰; tại Đại Ngãi (huyện Long Phú) 5,9‰, cao hơn cùng kỳ 4,5‰; tại thành phố Sóc Trăng 3,1‰, cao hơn cùng kỳ 2,3‰…
   
Xâm nhập mặn gia tăng trong mùa khô năm 2015
   
  Trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến nghiêm trọng nên hầu hết các tỉnh thuộc ĐBSCL đã xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn. Theo đó, các tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng cống, đê ngăn mặn, xây dựng hồ chứa nước ngọt… Tuy nhiên, theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cảnh báo: Do đỉnh lũ trên sông Cửu Long xuất hiện khá sớm và ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với TBNN nên trong các tháng mùa khô, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Mực nước từ tháng 1 - 3/2015 sẽ thấp hơn TBNN từ 0,3 - 0,4m và từ tháng 4 - 5/2015 ở mức xấp xỉ TBNN. Bên cạnh đó, mùa khô năm nay Nam Bộ không mưa nhiều nên có thể tình hình xâm nhập mặn sẽ xuất hiện gay gắt hơn. Bắt đầu từ tháng 2 - 4/2015 nước sông ngòi, kênh rạch ở đây sẽ cạn kiệt nên mặn xâm nhập mạnh và sâu hơn. Độ mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn cùng kỳ năm 2014 và TBNN. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu khoảng 40 - 50km tính từ cửa sông, có thời kỳ sâu tới 70km.
   
  Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn đạt hiệu quả cao nhằm ngăn ngừa sự chi phối của nó tới mọi hoạt động kinh tế, đời sống của người dân ĐBSCL, ông Đặng Quang Thịnh, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng: Csác tỉnh thuộc ĐBSCL cần phải “chung tay, dồn sức” vào công cuộc chống xâm nhập mặn. Theo đó, giải pháp trước mắt là cần xây dựng chế độ điều tiết nước hợp lý cho hệ thống cống ngăn mặn; kiểm soát việc khai thác nước ngầm để hạn chế nhiễm mặn nguồn nước ngầm; chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với vùng đất nhiễm mặn. Ngoài ra, cần chú ý đến chế độ vận hành các hồ chứa thuỷ điện thượng cũng như xem xét về việc tích nước các hồ chứa…
   
Linh Nga
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Cần chủ động ứng phó xâm nhập mặn gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO