Người nghiên cứu ra đề tài trên là anh Trần Hưng Phúc và Dương Văn Tùng- nhân viên của Trung tâm. Hai anh cho hay trong công tác kiểm định ô tô hằng ngày ở các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, các đăng kiểm viên đều phải thực hiện hạng mục đo chiều cao tất cả các xe đến kiểm định.
“Công việc này chiếm khá nhiều thời gian, khó đạt được độ chính xác cao; nhiều loại xe cao, vị trí cao nhất của xe nằm ở giữa thùng xe nên khó đặt thước đo. Ngoài ra, nhiều khi phải cần hai người mới có thể đo được.Vì vậy, rất cần thiế để tạo ra một thiết bị tự động đo chiều cao ô tô...”- anh Phúc nói.
Theo đó, hệ thống tự động đo chiều cao lớn nhất của ô tô của các anh được thiết kế bằng hệ thống điện tử và lập trình vào ic kỹ thuật số để điều khiển cảm biến lazer S81.
Sau thời gian thử nghiệm cải tiến, hệ thống đã đạt được những kết quả như chiều cao toàn bộ của xe được đo nhanh chóng trong lúc xe di chuyển qua vị trí đặt cảm biến; mạch hiển thị sử dụng LED 7 đoạn (kích thước LED 90mm x 120mm) giúp cho việc quan sát kết quả rõ ràng, thuận tiện. Sai số lớn nhất được ghi nhận là 35 mm (sai số nằm trong phạm vi cho phép là nhỏ hơn ± 40 mm theo QCVN: 09). Nguyên nhân gây ra sai số này một phần do mặt bằng tại vị trí đặt cảm biến có độ nghiêng. Hệ thống mạch điều khiển hoạt động ổn định.
Kết quả chiều cao lớn nhất của xe được hiển thị trên mạch LED 7 đoạn cho đến khi xe tiếp theo vào vị trí đo. Cảm biến được lắp đặt trên trần nhà, bề mặt phát tia lazer hướng xuống thẳng đứng và cách sàn nhà một khoảng cố định H. Khi ô tô di chuyển qua bên dưới cảm biến, khoảng cách từ cảm biến tới trần xe tại vị trí mà tia lazer chiếu vào sẽ được xác định là h. Hiệu số H-h chính là chiều cao của xe tại vị trí mà tia lazer chiếu vào.
Hệ thống sẽ liên tục đo chiều cao của xe tại nhiều vị trí trần xe trong lúc xe đang di chuyển, kết thúc quá trình đo, giá trị chiều cao lớn nhất của xe sẽ được tính toán bằng vi điều khiển trên mạch điện tử được thiết kế lắp đặt và lập trình sẵn để hiển thị kết quả lên mạch hiển thị chính xác chiều cao của xe.
Về tính sáng tạo của sản phẩm, anh Tùng cho rằng sản phẩm là sự kết hợp ý tưởng chuyển đổi từ tín hiệu Analog và Digital theo xu hướng công nghệ hiện nay. Lập trình giao tiếp phần cứng và phần mềm điều chỉnh được; giảm bớt sự tác động chủ quan của con người đến công tác kiểm tra theo xu thế tự động hóa...
“Hệ thống này do chúng tôi hoàn toàn thiết kế lắp đặt được với các thiết bị linh kiện có giá thành rẻ, dễ dàng tìm kiếm và đạt độ bền cao...”- anh Tùng chia sẻ.
Hiện hệ thống đã áp dụng vào công việc thực tế hằng ngày tại đơn vị của tác giả, góp phần tích cực trong việc kiểm định và đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của chủ phương tiện.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nổ lực cải tiến để triển khai thử nghiệm tại nhiều nơi khác. Hiện hệ thống trên cũng đã được lắp đặt thử nghiệm và hoạt động tốt tại Trung tâm đăng kiểm Quảng Bình...”- hai anh Phúc và Tùng bộc bạch.