Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Ngày 10/6, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã phối hợp với Ngân hàng HSBC tổ chức Hội thảo “Tăng cường năng lực, phổ biến quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và các giải pháp về chuyển dịch năng lượng”.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về thực hiện các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác khối công-tư, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp vừa là đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Qua đó, tạo ra nguồn lực góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Hội thảo là dịp để các bên liên quan chia sẻ, cập nhật thông tin về các chính sách giảm phát thải khí nhà kính hiện hành; các công nghệ, giải pháp, sáng kiến tài chính tiềm năng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon của nền kinh tế".
Tiếp lời ông Nguyễn Tuấn Quang, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Quốc gia của HSBC tại Việt Nam đánh giá: Trong bối cảnh hiện nay, tính bền vững là yếu tố then chốt giúp xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, công bằng và kiên cường. Để đạt được sự phát triển bền vững, cần thúc đẩy mối liên kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội và môi trường để hiện thực hoá các mục tiêu đã đề ra.
Việt Nam là quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi, thúc đẩy năng lượng tái tạo và thực hiện các chiến lược thích ứng khí hậu hiệu quả. Về mặt kinh tế, tính bền vững mang lại con đường dẫn đến sự thịnh vượng lâu dài.
Bằng cách chuyển dịch hướng tới kinh tế xanh, các quốc gia có thể tạo việc làm, kích thích đổi mới và thu hút đầu tư phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu. Các ngành như năng lượng tái tạo, du lịch bền vững và công nghệ xanh không chỉ hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.
Về mặt xã hội, cam kết về tính bền vững sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng toàn diện, đảm bảo sự phát triển mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần xã hội, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã trình bày tham luận liên quan các quy định của pháp luật về biến đổi khí hậu trong lĩnh vực phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; phát triển thị trường các-bon trên thế giới và các quy định pháp luật về phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; triển khai các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai...
Các đại biểu quốc tế cũng đã chia sẻ về hiện trạng chuyển dịch năng lượng trên thế giới trong các về năng lượng, giao thông, công nghiệp, cũng như ý nghĩa đối với Việt Nam; triển vọng năng lượng mới tại Việt Nam và các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Theo ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu), doanh nghiệp đang có thuận lợi khi nhận thức và nhu cầu của khách hàng có xu hướng tích cực. Tiến trình hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết thương mại trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã và đang tạo ra các áp lực phải chuyển đổi xanh. Việc chuyển đổi công nghệ hiện đại, hiệu quả dẫn tới tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh khi tham gia thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả quốc gia phát triển, đang phát triển và trong khu vực.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nhiều doanh nghiệp vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững. Trong khi đó, nguồn lực cho thực hiện việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất lớn nhưng thực tiễn lại chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức, kiến thức về các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải trong cộng đồng doanh nghiệp cũng còn hạn chế.
Trên bình diện khu vực Đông Nam Á, năng lượng là loại dự án được tài trợ xanh nhiều nhất ở hầu hết các quốc gia. Theo ông Lê Phước Hoài An - Giám đốc Toàn quốc khối khách hàng doanh nghiệp tầm trung, HSBC Việt Nam, các khoản vay liên quan tới phát triển bền vững sẽ phải gắn với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Ví dụ xếp hạng trung bình của các chứng nhận công trình xanh đạt được theo danh mục đầu tư; tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt hoặc được tạo ra; giảm phát thải khí nhà kính hàng năm của tòa nhà; mức giảm tiêu thụ năng lượng hàng năm; khối lượng nước tái chế hoặc xử lý hoặc giảm lượng nước sử dụng...
“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi về cung và cầu đối với một số sản phẩm. Việc đáp ứng sớm những xu hướng này có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hiện tại các quốc gia đã ban hành nhiều luật và chính sách về biến đổi khí hậu. Những quy định này sẽ tăng lên trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực hướng tới các mục tiêu giảm phát thải toàn cầu. Các công ty chuyển dịch nhanh chóng sẽ tránh được việc ngừng sử dụng tài sản sớm, bị phạt theo quy định và mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải” – ông Lê Phước Hoài An khẳng định.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng làm rõ các cơ hội tiếp cận tài chính xanh của doanh nghiệp, với những tiềm năng chuyển đổi xanh tại Việt Nam.