Điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, đảo: Tiếp tục rà soát, chọn lựa dự án phù hợp

26/03/2019 11:59

(TN&MT) - Sau hơn 10 năm triển khai Đề án 47 (Chương trình điều tra cơ bản tài nguyên môi trường (TNMT) biển, đảo), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tiếp tục rà soát các đề tài, dự án đưa vào xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TNMT biển, đảo, nhằm đáp ứng những nhiệm vụ nặng nề mà Nghị quyết 36/TW đặt ra trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian tới.

T11
Điều tra nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái ven biển. Ảnh: MH

Thực hiện nhiệm vụ do Bộ TN&MT giao, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án 47 để xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm. Để đảm bảo chất lượng nội dung của Dự thảo Quyết định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, Tổng cục đã tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan bằng hình thức gửi công văn; lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học thông qua tổ chức hội thảo, họp tổ chuyên gia.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã đề xuất 103 dự án, Tổng cục đã giao Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo tổ chức rà soát các nhiệm vụ, dự án nêu trên, qua đó thấy rằng: Một số dự án do các Bộ, ngành và địa phương đề xuất còn có phạm vi, nhiệm vụ, nội dung trùng lặp với các dự án đã được thực hiện trong các giai đoạn trước do chưa cập nhật được thông tin đầy đủ về các dự án đã và đang triển khai.

Đa số các dự án do các địa phương đề xuất có phạm vi, đối tượng điều tra trong diện tích hẹp, không mang tính tổng thể, liên vùng liên ngành và chia nhỏ nhiệm vụ chưa đáp ứng được tiêu chí của Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TNMT biển và hải đảo. Một số dự án không có nội dung, phương pháp của dự án điều tra cơ bản mà là các đề tài nghiên cứu khoa học.

 Nội dung của một số dự án điều tra trong từng lĩnh vực chuyên ngành, đây là cơ sở để tổng hợp xây dựng những dự án điều tra cơ bản mang tính chất tổng hợp đáp ứng các yêu cầu của Chương trình trọng điểm điều tra cơ TNMT biển và hải đảo.

Các dự án của địa phương có phạm vi hẹp và chủ yếu tập trung vào 5 nhóm nội dung gồm: Điều tra tổng hợp tài nguyên, môi trường ven biển; điều tra nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái ven biển; điều tra, quan trắc môi trường ven biển; tăng cường năng lực trang thiết bị và đào tạo nhân lực phục vụ công tác điều tra cơ bản và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển. Các đề xuất này đa số trùng với các các dự án do các Bộ, ngành đã và đang triển khai thực hiện. Một số dự án thuộc phạm vi điều tra của các dự án do các Bộ, ngành đề xuất phục vụ xây dựng Chương trình trọng điểm.

Bước đầu Hội đồng tuyển chọn đã sơ tuyển được 27 dự án đáp ứng tiêu chí để lựa chọn rà soát, đánh giá tính cấp thiết để đưa vào Chương trình trọng điểm. Trong số đó, có khá nhiều dự án mạnh dạn đề cập tới việc nghiên cứu, điều tra cơ bản vùng biển xa, sâu như: Dự án Điều tra cơ bản, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết về điều kiện tự nhiên phục vụ cho quy hoạch, thiết kế và công các công trình ăn ninh quốc phòng, kinh tế xã hội ở khu vực quần đảo Trường Sa đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050; giám sát và đánh giá tác động của môi trường tự nhiên, xã hội đến mục tiêu phát triển bền vững của quần đảo; Dự án Điều tra tổng hợp khí tượng, các yếu tố hải dương, địa chất, môi trường vùng biển Trường Sa và DKI tỷ lệ 1:200.000; Dự án Điều tra cơ bản, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ xử lý các yếu tố tự nhiên tác động lên công trình phục vụ kinh tế kỹ thuật và tăng cường quốc phòng an ninh trên biển và thềm lục địa Việt Nam (giai đoạn 3); điều tra cơ bản hệ thống tài nguyên vị thế, kỳ quan địa chất và sinh thái (đặc biệt chú trọng di sản địa chất và công viên địa chất) vùng biển đảo Việt Nam, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, an ninh quốc phòng. Điều tra đặc điểm cấu trúc địa chất, địa động lực và tài nguyên, môi trường vùng biển Quảng Ngãi - Phú Yên đến độ sâu 300m nước, tỷ lệ 1/100.000...

Để đánh giá, lựa chọn các dự án do các Bộ, ngành, địa phương đề xuất để đưa vào Chương trình trọng điểm, ngày 30/1/2019, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành 2 Quyết định số: 256/QĐ-BTNMT về việc thành lập Tổ giúp việc rà soát nội dung các dự án đưa vào Chương trình trọng điểm và 257/QĐ-BTNMT về việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án đưa vào Chương trình trọng điểm. Để có cơ sở đánh giá, lựa chọn các dự án đưa vào Chương trình trọng điểm, Tổng cục đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Tiêu chí và Quy trình đánh giá, lựa chọn các dự án đưa vào Chương trình trọng điểm (gọi tắt là Dự thảo Tiêu chí) và lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Để đảm bảo cho Chương trình trọng điểm giai đoạn mới thành công, Tổng cục kiến nghị cần khẩn trương Xây dựng bộ máy Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình trọng điểm trên cơ sở kiện toàn Văn phòng Ban Chỉ đạo. Rút kinh nghiệm về khó khăn trong việc bố trí vốn cho các dự án điều tra cơ bản, xin ý kiến của lãnh đạo Bộ về cơ chế tài chính; làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và Văn phòng Chính phủ để có một cơ chế quản lý, cơ chế tài chính riêng cho Chương trình trọng điểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, đảo: Tiếp tục rà soát, chọn lựa dự án phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO