Thừa Thiên – Huế: Tập trung đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế biển
(TN&MT) - Thừa Thiên - Huế có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, vì thế thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng biển nhằm phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống người dân, từng bước góp phần đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong những năm qua, kinh tế biển và đầm phá đang trở thành động lực phát triển của tỉnh, tạo diện mạo mới cho toàn vùng, góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản, giải quyết tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa bão, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển của tỉnh, thời gian qua, Thừa Thiên - Huế quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa biển Thuận An. Tỉnh tập trung đầu tư các dự án xử lý chống xói lở bờ biển Thuận An, Tư Hiền, Hải Dương, mở rộng cảng cá Thuận An, giải quyết cơ bản nguồn nước sạch cho các xã ven biển. Khu kinh tế ven biển Chân Mây – Lăng Cô (huyện Phú Lộc) nhiều năm gần đây như “đại công trường” khi thu hút nhiều dự án lớn, những khu du lịch biển đẳng cấp. Trong khi đó, TP. Huế cũng đã mở rộng thêm địa giới hành chính về hướng biển từ tháng 7/2021, từng bước phát triển hạ tầng, thu hút du lịch.
Với mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình, dự án quan trọng ở cụm cảng Chân Mây (“trái tim” của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô), phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa, phát triển liên vùng như: Các dự án Đê chắn sóng, đã xây dựng 3 Bến và vừa khởi công thêm Bến số 4 – 5 cảng Vsico Chân Mây. Với tiềm năng, lợi thế, hạ tầng sẵn có, sau khi xây dựng hoàn thành Bến số 4 - 5 sẽ nâng tổng chiều dài các cầu cảng tại Chân Mây lên 1.450 m; hoàn thành giai đoạn 2 Đê chắn sóng với chiều dài 750 m sẽ đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, tăng thời gian khai thác tàu trong năm; tạo động lực và khí thế mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ngoài ra, tỉnh cũng xúc tiến kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics, hạ tầng kho bãi, cảng cạn tại Chân Mây - Lăng Cô.
“Việc vận chuyển hàng hóa qua cảng Chân Mây rất thuận lợi. Ở Chân Mây – Lăng Cô đã và đang có hạ tầng rất phát triển. Khi cảng Chân Mây phát triển thêm các bến thì sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá qua đường biển dễ dàng hơn”, đại diện Công ty TNHH Hào Hưng (chủ đầu tư Bến số 3) chia sẻ.
Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, ngoài những chính sách ưu đãi chung, HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 và Nghị quyết 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
Có thể nói, kinh tế biển và đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa bao giờ được khai thác mạnh mẽ như hiện nay, thành quả đó bắt đầu từ những chủ trương của tỉnh, đầu tư đúng hướng để phát triển kinh tế biển. Để trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, Thừa Thiên - Huế đã đề ra phương hướng phát triển, giải pháp về phát triển kinh tế biển và được cụ thể hóa tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng kinh tế biển là một trong những trung tâm mạnh của cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Phát triển các đô thị biển hiện đại tại khu vực hành lang ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Liên kết với các địa phương thuộc vùng để phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á...
“Thời gian tới tỉnh sẽ nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ biển, năng lượng tái tạo; gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia...”, ông Phương nói.
Thừa Thiên - Huế có bờ biển dài 128 km, tiếp cận với ngư trường biển Đông; trong đó hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với chiều dài hơn 70 km, diện tích mặt nước rộng trên 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trên địa bàn tỉnh còn có 5 cửa biển, trong đó có 2 cảng biển bao gồm cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An. Tỉnh có lợi thế kết nối, giao lưu kinh tế thương mại, hàng hải ba miền Bắc – Trung – Nam, kết nối hình thành vành đai kinh tế ven biển động lực phát triển miền Trung...