Thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó BĐKH
Có thể thấy BĐKH trong nhiều năm qua, đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất nông nghiệp của đồng bào miền núi tỉnh Điện Biên ngày một rõ nét. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: giông lốc, mưa đá, lũ lụt, lở đất... xảy ra hàng năm, thiệt hại nặng nề. Do đó thay đổi nhận thức về BĐKH là việc làm cần thiết, thường xuyên và lâu dài đối với các cấp, ngành và mỗi người dân.
Ông Hà Văn Quân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Điện Biên, cho biết: Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng những giải pháp kịp thời nhằm ứng phó với BĐKH trên cả hai phương diện giảm nhẹ và thích ứng BĐKH. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức người dân trong sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, ưu tiên sử dụng những giống bản địa cho năng suất cao; sử dụng tài nguyên rừng, nước, đất tiết kiệm, hiệu quả…
Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn của tỉnh Điện Biên hiện nay thì thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó BĐKH thông qua các tổ chức quốc tế là rất quan trọng, như: tổ chức JICA (Nhật Bản); Quỹ Australia vì Nhân dân Châu Á Thái Bình Dương tại Việt Nam tài trợ Dự án: “Tăng cường năng lực và tiếp cận cộng đồng”; Dự án “tăng cường khả năng tiếp cận thông tin sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường và thích ứng BĐKH cho phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên”, giai đoạn 2017-2020.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phê duyệt Dự án Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai tại 6 tỉnh Miền núi phía Bắc trong đó có tỉnh Điện Biên. Tổng vốn đầu tư dự án này lên đến 2.903 tỷ đồng, dựa trên nguồn vốn vay của JICA và vốn đối ứng Ngân sách Nhà nước, thực hiện từ 2018 – 2023 và khi hoàn thành sẽ giúp cho khoảng 420.000 người được hưởng lợi trực tiếp. Triển khai dự án sẽ phát triển được cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng giá trị nông nghiệp theo hướng bền vững. Các cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư với các biện pháp thích ứng cải thiện vận hành, duy tu chống chịu với thời tiết, ứng phó với BĐKH, góp phần giảm nhẹ các tác động tiêu cực có thể xảy ra do thiên tai tại vùng nông thôn thuộc 6 tỉnh tham gia dự án.
Hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa
Một trong những giải pháp căn cơ được ngành nông nghiệp Điện Biên tập trung triển khai là thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hướng đến hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tăng giá trị sản phẩm, tạo chuỗi an toàn bền vững; chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và chọn giống; thúc đẩy quy trình kỹ thuật thâm canh, mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên giống địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất và thúc đẩy sản xuất hữu cơ giảm thiểu tổn thất do ảnh hưởng của BĐKH. Hiện địa phương đã hình thành và quy hoạch được một số vùng sản xuất mặt hàng nông sản theo chuỗi an toàn, tăng giá trị.
Tiêu biểu trong số đó, là HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (Điện Biên) với mô hình cánh đồng mẫu lớn, quy mô sản xuất khoảng 31ha chuyên sản xuất sản phẩm gạo IR64 và Bắc thơm số 7. Với quy mô tổ chức sản xuất là khai thác tối đa, hiệu quả canh tác của đất, chuyển canh tác 2 vụ lúa thành 2 vụ lúa, 1 vụ đông trồng rau màu; sản xuất lúa gạo đồng bộ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; ổn định đầu ra cho sản phẩm thông qua liên kết tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hiện mặt hàng gạo IR64 và Bắc thơm số 7 đang tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh và trở thành một trong những thương hiệu nông sản của tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, Điện Biên còn hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản khác như: sản phẩm Dứa Mường Chà, thịt trâu khô, rau an toàn…
Ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng Phòng Trồng trọt – Sở NN&PTNT Điện Biên, cho biết: Đối với lĩnh vực trồng trọt của tỉnh còn tùy vào điều kiện từng vùng, từng địa phương để lựa chọn áp dụng triển khai các mô hình thích ứng với BĐKH sao cho hiệu quả. Tuy nhiên có thể đánh giá rằng: nhận thức của người dân về BĐKH đã được nâng lên. Người dân chủ động lựa chọn biện pháp thay đổi canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế.