Tỉnh Điện Biên có hệ sinh thái đa dạng, phong phú về loài và nguồn gen. |
Tỉnh Điện Biên có hệ sinh thái đa dạng, cùng với đó là sự phong phú về loài và nguồn gen, đặc biệt ghi nhận nhiều động, thực vật quý hiếm. Các hệ sinh thái tự nhiên được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, duy trì diễn thế tự nhiên. Tuy nhiên do tác động của con người, thiên nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng sinh học đang suy thoái, nhiều loài đã và đang bị đe dọa, suy giảm quần thể.
Trước thực trạng đó, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Điện Biên phát động Tháng Hành động vì môi trường nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học cho các thành phần xã hội; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, góp phần phục hồi hệ sinh thái đang bị suy thoái...
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Điện Biên có 6 hệ sinh thái, bao gồm: Rừng; trảng cây bụi, tre nứa; trảng cỏ; hệ sinh thái nông nghiệp; thủy vực, ven sông suối; hệ sinh thái khu dân cư. Toàn tỉnh đã ghi nhận 41 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ - IUCN và Nghị định 32/2006 NĐ-CP về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (sau đây gọi là Nghị định 32). Hệ sinh thái rừng ít bị tác động cũng đang lưu trữ nguồn gen 20 loài thú quý hiếm, trong đó 15 loài vừa có trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, vừa có trong Nghị định 32. Trong đó có những loài quý hiếm nguy cấp như: Vượn má trắng, tê tê vàng, báo gấm, gấu ngựa, gấu chó, bò tót, sơn dương; và những loài rất nguy cấp như báo hoa mai, hổ...
Ngoài ra, còn có 14 loài bò sát, 12 loài chim được ghi trong Nghị định 32 và Sách đỏ Việt Nam. Đây đều là những loài vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen và giá trị kinh tế, cần được bảo tồn nhằm giữ gìn cho các thế hệ mai sau. Qua đó có thể thấy hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ nguồn gen quý hiếm và tài nguyên sinh vật. Hơn nữa không thể phủ nhận, vai trò quan trọng của các hệ sinh thái trong cuộc sống con người, việc chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái cũng tác động tích cực đến đời sống rất nhiều người dân.
Nhiều dự án, chương trình có nội dung liên quan đến các hoạt động bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tổ chức. |
Bởi vậy, những năm gần đây, có nhiều dự án, chương trình, nhiệm vụ có nội dung liên quan đến các hoạt động bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tổ chức triển khai thực hiện. Như các dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện; Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững; Dự án Trồng cây phân tán tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 - 2020; Dự án Đầu tư nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2016 - 2020; Dự án Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; điều tra đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học... Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã trồng được gần 4.300ha rừng. Và mục tiêu của tỉnh, từ 2021 - 2025 trồng 1.500ha rừng mỗi năm.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ đa dạng sinh học là tăng cường công tác truyền thông để hướng tới thay đổi nhận thức và hành vi trong bảo vệ đa dạng sinh học. Tháng Hành động Vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 được UBND tỉnh Điện Biên phát động diễn ra từ 22/5 - 30/6/2021 và duy trì cho đến hết năm 2021. Với nội dung: Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; đẩy nhanh tiến độ rà soát quỹ đất trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn); tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc không săn bắt động vật quý hiếm, không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; tăng cường công tác kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải...
Từ sức mạnh truyền thông đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong bảo vệ đa dạng sinh học. |
Cùng với đó, phục hồi suy thoái các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước và thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Để đẩy mạnh công tác truyền thông, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu truyền thông về tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường. Phối hợp cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động của Tháng hành dộng vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021, đảm bảo thực hiện hiệu quả, thiết thực.