Địa Trung Hải ấm lên nhanh chóng, sa mạc có thể lan rộng ở châu Âu

28/10/2016 00:00

(TN&MT) – Sáng 28/10, các nhà khoa học cho biết sự nóng lên toàn cầu đang trên đà ảnh hưởng mạnh đến khu vực Địa Trung Hải hơn bất kỳ đợt hạn hán hoặc nắng nóng nào trong 10.000 năm qua, biến các khu vực ở phía nam châu Âu thành sa mạc vào cuối thế kỷ này.

Theo nghiên cứu của Đại học Aix-Marseille (Pháp), nhiệt độ trung bình trong khu vực này đã tăng 1,3 độ C từ cuối thế kỷ 19, trên mức trung bình thế giới là 0,85 độ C.

Các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí Science: “BĐKH do con người gây ra "có khả năng sẽ làm thay đổi hệ sinh thái trong vùng Địa Trung Hải ở một mức độ nào đó là không có tiền lệ" trong 10.000 năm qua, trừ khi các nước nhanh chóng giảm phát thải khí nhà kính”.

Theo nghiên cứu, với sự nóng lên không được kiểm soát, sa mạc sẽ mở rộng ở miền nam Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các khu vực phía Bắc của Morocco, Algeria và Tunisia và các khu vực khác bao gồm Sicily, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi của Syria.

Ngoài ra, sự nóng lên này sẽ làm thay đổi đáng kể thảm thực vật trong khu vực, chủ yếu là những vùng trồng cây họ thông, lùm cây ô liu và cây sồi xanh.

Mặt đất nứt nẻ do khô hạn ở Castellon, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters/ Heino Kalis
Mặt đất nứt nẻ do khô hạn ở Castellon, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters/ Heino Kalis

Năm ngoái, tại Paris (Pháp), gần 200 quốc gia đã thống nhất hạn chế sự gia tăng nhiệt độ bề mặt trung bình trên thế giới đến mức 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, trong đó mức lý tưởng là 1,5 độ C. Các nước sẽ gặp nhau tại Morocco vào tháng tới để xem xét lại hiệp ước này.

Theo nghiên cứu, chỉ có mục tiêu toàn cầu 1,5 độ C mới đảm bảo hệ sinh thái vùng Địa Trung Hải ở mức giới hạn của 10.000 năm qua. Tác giả chính Joel Guiot của Đại học Aix-Marseille cho rằng cuộc tranh luận về cắt giảm phát thải "là hết sức khẩn cấp đối với các khu vực nhạy cảm như vậy”.

Địa Trung Hải là khu vực nhạy cảm với sự nóng lên toàn cầu bởi một phần là do các cơn bão Đại Tây Dương chuyển hướng về phía bắc, đồng nghĩa với việc nắng nhiều và mưa ít hơn.

Trong lịch sử, có những giai đoạn nắng nóng tự nhiên và hạn hán đã xảy ra cùng lúc với biến động xã hội ở khu vực Địa Trung Hải, chẳng hạn như vào khoảng năm 1400, khi nhiều người trong đế quốc Ottoman từ bỏ các trang trại không thể canh tác để trở thành dân du cư.

Năm ngoái, một nghiên cứu trên tạp chí Proceedings của Viện hàn lâm Khoa học Mỹ cho hay có bằng chứng cho thấy BĐKH do con người gây ra đã tạo thêm đợt hạn hán giai đoạn 2007 - 2010 ở Syria, một yếu tố góp phần vào cuộc nội chiến ngày càng nghiêm trọng ở nước này.

Mai Đan

Tổng hợp từ Reuters

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Địa Trung Hải ấm lên nhanh chóng, sa mạc có thể lan rộng ở châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO