Đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu

24/10/2013 00:00

(TN&MT) - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đề xuất, cần thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu trong đó ngoài Chính phủ còn cần sự tham gia của Quốc...

   
(TN&MT) - Ngày 24/10,  tiếp tục kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tái cơ cấu kinh tế. Đa số các đại biểu tán thành với nhận định cho rằng, tình hình kinh tế -xã hội đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.”
   
Cần xem xét lại độ chuẩn xác của báo cáo
   
  Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội) cho rằng, báo cáo của Chính phủ vẫn “hơi hồng”, chưa phản ánh chính xác thực trạng hiện nay. Đại biểu băn khoăn khi trong báo cáo của Chính phủ chỉ rằng, năm nay chúng ta đạt mức tăng trưởng GDP là 5,4% nhưng thất thu ngân sách lại hụt thu hơn 63.000 tỷ đồng. “Như vậy phải chăng là có sự mâu thuẫn? Chính phủ cần phải rà soát lại các con số”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đặt câu hỏi.
   
  Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo đề nghị, trong từng lĩnh vực cụ thể, phải đánh giá xem mức độ chính xác của từng con số là bao nhiêu. Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP.HCM), để tránh tình trạng đánh giá chung chung mà không tìm được điểm nào mạnh, điểm nào yếu thì tới đây, trong Nghị quyết của Quốc hội phải có chỉ tiêu cụ thể cho từng năm. Ví dụ, trong lĩnh vực đất đai, phải đặt mục tiêu cụ thể trong năm 2014  thu hồi bao nhiêu dự án bỏ hoang.
   
  Về vấn đề bội chi, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nêu vấn đề: "Năm nay, bội chi ngân sách của chúng ta tăng so với chỉ tiêu đề ra nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế là đúng, nhưng vấn đề đặt ra là kỷ luật thực thi ngân sách, con số chênh so với chỉ tiêu được giao do ai quyết, lấy nguồn từ đâu?".
   
  Đại biểu Bùi Thị An cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại các con số, thống kê của các ngành, địa phương để có sự thống nhất.
   
Đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu
   
  Tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM tán thành với mục tiêu Chính phủ đề xuất, trong đó tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…
   
  Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, cùng với việc kiên định thực hiện 3 đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn tới tái cơ cấu khu vực dân doanh. Đại biểu cho rằng cần có chính sách hỗ trợ để tạo sự đồng bộ trong tổng thể nền kinh tế. Đại biểu cũng đề nghị cần tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Mấu chốt của vấn đề à việc tạo dựng niềm tin trong dân bằng các chính sách, cam kết của nhà nước, đặc biệt là cam kết ổn định về lãi suất để người dân yên tâm vay vốn, đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
   
  Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đề xuất, cần thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu; trong ủy ban này ngoài Chính phủ còn cần sự tham gia của Quốc hội và các chuyên gia.
   
   
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, cần thiết phải có Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu
   
   
  Đại biểu cho rằng năm 2014 cần thiết lập Ủy ban này với những quy chế, quyền hạn cụ thể. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, mục tiêu lớn nhất của tái cơ cấu hiện nay là cần thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ càng sớm càng tốt, có như vậy mới sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình. “Các thành tựu hiện nay nói với nhau chỉ để an ủi vậy thôi, còn cơ cấu kinh tế vẫn có nhiều vấn đề. Vì sao cán cân thanh toán dương, hay và dở ở chỗ nào, nhập siêu thấp có tốt không? Cần phải phân tích một cách khách quan và sâu sắc mới kết luận được. Hay chúng ta vẫn nói Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thực chất đó là điểm đến của công nghệ lạc hậu, quản lý lỏng lẻo, chuyển giá...”, đại biểu Nghĩa nói.
PV
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO