Đề xuất hướng nghiên cứu và cơ hội hợp tác trong ứng dụng công nghệ viễn thám để giám sát tài nguyên nước

19/12/2018 14:30

(TN&MT) - Ngày 18/12, Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) tổ chức tổ chức Hội thảo Ứng dụng công nghệ viễn thám để giám sát tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

mg 2604 resize resize 1
Các đại biểu tham dự Hội thảo chup ảnh lưu niệm

Hội thảo được tổ chức nhằm phát huy vai trò hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, tạo cơ hội cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các chuyên gia trong nước có thể trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, ứng dụng mới của viễn thám trong giám sát tài nguyên nước.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, trong những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ viễn thám trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, đã kết hợp công nghệ GIS và phương pháp AHP-IDM đưa ra bản đồ nguy cơ sạt lở đường bờ; xây dựng được bản đồ nguy cơ ngập úng; xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu; theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác sử dụng nước; giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ; giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị,…

Việt Nam cũng đã bước đầu làm chủ công nghệ, chế tạo được một số mô-đun cho thiết bị trạm mặt đất và vệ tinh siêu nhỏ. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang có vệ tinh viễn thám VNRED Sat-1 được đưa lên quỹ đạo ngày 7/5/2013 và theo lộ trình phát triển dự kiến sẽ có vệ tinh LOTUSat-1 vào năm 2019 và LOTUSat-2 vào năm 2022. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia và một số cơ sở dữ liệu viễn thám chuyên ngành đã và đang được xây dựng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Phạm Phú Bình cũng chỉ ra những tồn tại như: Việc ứng dụng công nghệ viễn thám như đầu tư cho ứng dụng viễn thám chưa đầy đủ; đội ngũ chuyên gia về viễn thám còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong quá trình phát triển; cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện, thiếu đồng bộ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày 04 báo cáo tham luận từ các chuyên gia đến từ Tập đoàn CLS thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Pháp; Cục Viễn thám Quốc gia; Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các báo cáo tập trung trình bày về ứng dụng công nghệ viễn thám trong đánh giá tài nguyên nước mặt; trong giám sát sụt lún; giám sát biến đổi lượng nước xuyên biên giới và theo dõi biến động nguồn nước và các hoạt động khai thác sử dụng nước ở ngoài biên giới. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ về các vấn đề trọng tâm trong ứng dụng công nghệ viễn thám trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời, đề xuất được những hướng nghiên cứu cho giai đoạn tiếp theo cũng như mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế và trong nước thuộc lĩnh vực viễn thám và tài nguyên nước.

Kết luận Hội thảo, ông Trần Bình Trọng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang có nhiều nỗ lực trong đổi mới quản lý khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kết quả, kinh nghiệm nghiên cứu và hội nhập quốc tế hướng tới phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng. 

Ông Trần Bình Trọng cũng chia sẻ, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, kết quả của Hội thảo lần này sẽ góp phần quan trọng trong việc tổng kết, đánh giá kết quả, thực trạng nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá để định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu phát triển, các ứng dụng mới; đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các tổ chức, cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất hướng nghiên cứu và cơ hội hợp tác trong ứng dụng công nghệ viễn thám để giám sát tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO