Đề xuất giải pháp phát triển thị trường năng lượng tái tạo

Hoàng Ngân| 06/01/2023 20:47

(TN&MT) - Chiều 6/1, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Năng lượng tái tạo năm 2022 với chủ đề: “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới”.

1(5).jpg
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong những năm qua nhờ các cơ chế khuyến khích của Đảng và Chính phủ cùng với sự vào cuộc tích của các Bộ, ngành, lĩnh vực năng lượng tái tạo có những bước phát triển tích cực. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, các chính sách liên quan như Quy hoạch điện 8 chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai chiến lược cũng như các bước tiếp theo.

Hiện tại, thị trường năng lượng tái tạo cho giai đoạn mới chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Điện gió có đến 62 dự án tổng công suất 3.479MW, đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Tuy nhiên, do không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 nên gần một năm qua vẫn đang chờ giá bán điện mới. Các dự án điện mặt trời còn có 452,62MW công suất lắp đặt cũng đang chờ xác định giá bán điện mới. Với điện mặt trời mái nhà, gần 2 năm qua trôi qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ thêm: Hiện việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay còn gặp khó khăn, vướng mắc về tài chính và về kỹ thuật như chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải; các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện.

2(5).jpg
Quang cảnh Diễn đàn

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường. Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu và hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 55 -NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thực hiện song song nhiều giải pháp, trong đó cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.

Các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần sớm hoàn thiện Quy hoạch điện 8 để tạo điều kiện phát triển cho thị trường năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần đưa ra các định hướng, chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định đối với nguồn năng lượng tái tạo như: Công bố khối lượng các dự án điện năng lượng tái tạo, tại mỗi vùng, miền cần xây dựng trong từng giai đoạn; ban hành giá điện hỗ trợ (FIT) đối với các dự án năng lượng tái tạo có quy mô công suất nhỏ và điện mặt trời mái nhà.

Với các dự án năng lượng chuyển tiếp, trong thời gian chờ tính toán khung giá phát điện, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện tạm tính, cho phép EVN huy động các nhà máy điện chuyển tiếp và thanh toán tiền điện theo mức giá bán điện tạm tính. Doanh thu bán điện của các dự án sẽ được điều chỉnh lại theo giá bán điện chính thức.

Đối với dự án điện sinh khối đồng phát, Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh Quyết định 08/2020/QĐ-TTg liên quan đến cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam theo hướng ngoài vụ sản xuất mía đường, khi không hoạt động theo cơ chế đồng phát nhiệt – điện, nhà máy sẽ hoạt động như nhà máy điện sinh khối, giá mua điện theo giá điện sinh khối.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất cần ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho công nghệ năng lượng tái tạo; áp dụng cơ chế sử dụng đất cho phát triển năng lượng tái tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giải pháp phát triển thị trường năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO