Dấu ấn xóa đói giảm nghèo

28/11/2018 17:12

(TN&MT) - Với những chủ trương đúng, giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn.

image002
Nhà nước đã và đang triển khai hàng loạt chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ.

Nhà nước đã và đang triển khai hàng loạt chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh, công bằng xã hội trên cả nước, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo. Trọng tâm là phát triển hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho các huyện nghèo, hộ nghèo và người nghèo.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “Vì người nghèo” mang đậm chất nhân văn đã lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, bằng những nội dung, hình thức thiết thực; công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 1996, thu nhập bình quân đầu người của cả nước đạt 226,7 nghìn đồng/người/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 187,9 nghìn đồng/người/tháng; riêng khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ đạt 173,8 nghìn đồng/người/tháng, thấp nhất cả nước. (“Kết quả điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999” của Tổng cục Thống kê).

19 năm sau, năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng 4,45 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt khoảng 2,44 triệu đồng/người/tháng; riêng các tỉnh miền núi phía Bắc đạt bình quân 2,03 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, chỉ bằng ngần ấy năm, thu nhập bình quân cả nước đã tăng gần 20 lần. Trong đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng gần 13 lần; riêng các tỉnh miền núi phía Bắc tăng gần 12 lần.

Còn theo báo cáo tại Hội nghị Liên Hợp Quốc ngày 11/11/2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).

Theo đó, giai đoạn 1993 - 2004, tỷ lệ người nghèo giảm từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 19,4% (năm 2004); giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ người nghèo giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,25% (năm 2016). Tính theo chuẩn mới, đến năm 2017, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 7% (giảm 1,3% so với năm 2016); tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở huyện nghèo giảm còn dưới 40%; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã an toàn khu thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3% - 4% so với năm 2016.

Việt Nam đã xóa đói giảm nghèo cho hàng chục triệu người, đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng thiếu đói trên cả nước. Người dân Việt Nam không chỉ có cơm ăn, áo mặc, được học hành, mà còn ăn no, ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng, mặc ấm, mặc đẹp; hạ tầng thiết yếu chăm lo cho con người ngày càng tốt hơn.

Mặc dù, đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng hiện nay Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo để hoàn thành những mục tiêu đã cam kết, xây dựng xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ,công bằng và văn minh. Chính phủ Việt Nam đề ra Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016 - 2020), với số vốn 41.449 tỷ đồng (đã giao cho Chương trình trong 2 năm 2016 - 2017 là 14.584 tỷ đồng).

Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng. Các địa phương trong cả nước còn huy động được khoảng hơn 7.303 tỷ đồng, trong đó, chi hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo trên 5.560 tỷ đồng trong năm 2016 và 2017.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu không còn người dân nào thiếu đói, nhất là đói dinh dưỡng để nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, với cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc, quyết tâm chính trị cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, một bảo đảm vững chắc cho quyền con người ngày càng tốt hơn.

“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn xóa đói giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO