Dấu ấn hội nhập quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ

29/12/2018 16:31

(TN&MT) - Năm 2018 đi qua với dấu ấn đậm nét trong nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế của ngành TN&MT. Việc đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, toàn ngành đã huy động được nguồn lực, kinh nghiệm của quốc tế cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

img44
Việt Nam tổ chức thành công Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 tại Đà Nẵng

Tổ chức thành công nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng

Năm 2018, hàng loạt các hoạt động hợp tác quốc tế đã được Bộ TN&MT triển khai trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế quan trọng đã được tổ chức thành công. Có thể kể đến một số sự kiện quan trọng như: Xây dựng Đề án thiết lập Đối tác chiến lược về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu với Thụy Điển; chuẩn bị cho lãnh đạo Bộ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước GMS lần thứ 5 (EMM5), Hội nghị Bộ trưởng mở rộng đặc biệt ASEAN về biến đổi khí hậu; Hội nghị Cấp cao Ủy hội Mê Công quốc tế lần thứ 3. Ký kết các Văn kiện hợp tác với Pháp và Cu Ba nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Pháp và Cu Ba. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, UBND TP. Đà Nẵng chuẩn bị và tổ chức thành công Kỳ Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 và các sự kiện liên quan tại TP. Đà Nẵng...

Trong năm 2019, hợp tác quốc tế vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT. Theo đó, tiếp tục hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy, mở rộng các diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn các nhà đầu tư, tài trợ, phục vụ trao đổi thông tin pháp luật về TN&MT. Củng cố, mở rộng các mối quan hệ song phương, đa phương và liên khu vực với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; chủ động hợp tác và hội nhập, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hoàn thiện cơ chế tài chính trong ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. 

Tiếp tục đổi mới trong nghiên cứu khoa học

Trong năm 2018, công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được đổi mới; từng bước triển khai và ứng dụng khoa học và công nghệ để hiện đại hóa ngành TN&MT.

Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phê duyệt các Thông tư ban hành quy định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT; Thông tư ban hành quy định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công lập quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông liên tỉnh; các Quyết định về “Quy chế quản lý hoạt động TC-QC của Bộ TN&MT”, “Quy chế xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ của Bộ TN&MT” và “Bộ tiêu chí chuyên gia trong các lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường”. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2018 bám sát các định hướng nghiên cứu theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012). Hoàn thiện các báo cáo sơ kết 8 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ đã ban hành 6 quy chuẩn về môi trường và 2 quy định kỹ thuật. Xây dựng 63 tiêu chuẩn quốc gia (11 tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực đất đai, 6 tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực KTTV, 44 tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản và 2 tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Chỉ đạo tổ chức áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các đơn vị trực thuộc Bộ; ban hành Kế hoạch chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2008 sang TCVN 9001:2015 tại các đơn vị trực thuộc Bộ; kết hợp với việc kiểm tra hoạt động khoa học và công nghệ, kiểm tra công tác thực hiện, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO9001:2015 vào hoạt động tại các đơn vị thuộc Bộ (tại một số đơn vị điển hình).

Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, từng bước thực hiện giảm giấy tờ trong điều hành và nghiệp vụ; đưa vào sử dụng hệ thống quản lý việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Bộ. Triển khai, cập nhật liên tục Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ (đã được Bộ trưởng  phê  duyệt  tại  Quyết  định  số 3339/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2017); phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT (phiên bản 2.0). Đẩy nhanh việc xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường, cơ sở dữ liệu quốcgia về đất đai; triển khai cung cấp Dịch vụ công trực tuyến tại Bộ TN&MT. Quán triệt việc triển khai, vận hành việc quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số hoàn toàn trên môi trường mạng của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được,trong năm 2019, hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm được ngành TN&MT đặt ra. Tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Gắn nghiên cứu với chuyển giao, thực hiện cơ chế đấu thầu đặt hàng để khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển của ngành. Tập trung nghiên cứu, đề xuất, tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bắt đầu thực hiện từ năm 2020, theo hướng đặt hàng của các cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm; tổ chức triển khai việc đánh giá trình độ công nghệ của các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ, trong đó, tập trung làm rõ nhu cầu trang thiết bị của các Viện, trường đại học thuộc Bộ; triển khai thực hiện phương thức cấp phát kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ được xác định tại phương hướng, mục tiêu,nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020, vận hành theo cơ chế Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của Bộ. Tăng cường phối hợp nghiên cứu khoa học và công nghệ giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ, lấy một số Viện và hai trường đại học trực thuộc Bộ làm nòng cốt để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về TN&MT, tập trung trước mắt vào các lĩnh vực môi trường; tài nguyên nước; địa chất và khoáng sản; biển và hải đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn hội nhập quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO