Tôi xa Ba Vì dễ chừng 20 năm. Ngày tôi đi, Ba Vì còn thuộc Hà Tây cũ. Trong bước chân kẻ lữ hành xa xứ miên man câu hát “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh. Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa”.
Khi người ta phải dứt mình ra khỏi mảnh đất hằng chôn rau cắt rốn, kỳ lạ thay, mọi thứ trở nên gắn bó thiêng liêng hơn bất cứ lúc nào. Phải chăng vì thế mà chỉ cần nghe câu hát quen thuộc cất lên, trong tôi không liên tưởng tới làng nghề dệt lụa ở tận mạn Hà Đông mà chỉ mơ về dải lụa mây vắt ngang đỉnh Ba Vì.
Chẳng phải vô tình mà “nắng Sơn Tây mây Ba Vì” đã thành câu thành ngữ. Cùng với nắng, mây là thứ đặc ân thiên nhiên ban tặng cho nơi đây. Trên một vùng bát ngát hình bó đuốc khổng lồ cán mập, mây lộng lẫy khoác lên tam đỉnh của Ba Vì: Đỉnh Tản, đỉnh Vua và đỉnh Ngọc Hoa.
Trong tâm thức người Việt xưa nay, hệ Ba Vì được tôn là “Núi Thiêng - Ngọn Nhất cao” bởi nơi đây gắn với truyền thuyết một trong bốn vị thần bất tử của nhân dân. Phải chăng vì tính thiêng hay vì thế núi hình sông đã tạo ra một vòm xoáy từ trường hút sinh khí tụ lại. Vậy nên, ở đây, nắng ra nắng, mưa ra mưa, mây ra mây, một tiểu vùng khí quyển mạch lạc ôn hòa, không khí đối lưu ẩm nhiều khiến từ gió đến mây cứ mượt mềm như lụa. Nhẽ vậy mà quần thể động thực vật cũng hội tụ đông và đa dạng.
Năm 2008, Ba Vì hợp quần về Thủ đô. Âu cũng là điều hiển nhiên bởi trong tâm thức Việt, nguồn cội ở đâu thì nơi đó ắt trung tâm. Núi vẫn núi, sông vẫn sông. Và trong tôi vẫn hiềm một nỗi nhớ Ba Vì da diết. Nhiều đêm trong giấc mơ xa lắc viễn du, tôi - kẻ trai Ba Vì mơ được ngạo nghễ cưỡi dải lụa mây lang thang trên từng tầng cổ tích, chiêm bái trọng vọng non thiêng. Cũng trong những giấc mơ chu du ấy, tôi gặp lại Suối Hoa, con suối hiển hiện không phải mơ hồ mà bằng thịt bằng xương, chắt ra từ một hay muôn ngàn cái vặn mình của núi. Núi mở. Chẳng phải mọi mạch nguồn đều bắt đầu từ sự mở mình của núi đó sao.
Suối Hoa trước khi hạ độ cao để làm nên dáng vẻ hiền hòa, nó đã từng tung mình mãnh liệt và hoang dã ở độ cao gần ba ngàn mét. Thư tịch cổ hiếm hoi chưa bao giờ lý giải vì sao suối lại có tên gọi Suối Hoa. Nhưng dân gian thì đồ rằng, cái mở mình của những thớ đá thiêng hòa quyện với hương thơm từ hàng trăm loài cây quý hiếm nơi nó chảy qua đã tạo cho con suối có một hương vị kỳ lạ. Lại cũng có truyền thuyết kể rằng, suối ấy, là bởi giọt mồ hôi của nàng công chúa Ngọc Hoa rớt xuống, mà thành thứ hương quý phái nên mới có tên gọi Suối Hoa. Truyền thuyết bao giờ cũng nhuốm màu huyền ảo, nhưng chi tiết ghi trong ký ức gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - người đã từng xây mộng lâu đài ở nơi đây vào năm 1943 thì một con suối sạch, trong văn vắt và dìu dịu thứ hương kỳ lạ là có thật. Suối ấy, gia đình ông vẫn từng uống nước không cần qua đun nấu bao giờ.
Suối Hoa giờ đang say ngủ.
Cả Ba Vì lộng lẫy và bát ngát của tôi cũng đang ngái ngủ.
Quy hoạch Ba Vì mới đánh thức mạnh mẽ sườn Đông của con rồng. Sườn Tây, tiềm năng vẫn ủ trong các tầng vỉa cả địa sinh thái và văn hóa. Bởi theo các nhà sử học, cùng với hệ sinh thái, Folklore văn hóa sẽ là chìa khóa trung tâm mở ra vàng mười của Ba Vì. Chỉ khi đánh thức được các giá trị sinh thái - văn hóa này và quy hoạch trong mục tiêu phát triển - bảo tồn, con rồng Ba Vì - Tản Viên Sơn - Phượng Hoàng Sơn mới bừng thức giấc.
Núi mở ra nhưng rừng đóng lại - đó là quan điểm của những nhà hoạch định tôn trọng bảo tồn sinh thái hiện nay. Khái niệm mở núi, đóng rừng phải được hiểu vượt lên mức tầm thường. Mở ra các vỉa tầng văn hóa, lịch sử để khơi mạch nguồn thiêng không chỉ đơn thuần dựng lại hình ảnh một vị Thánh, mà phải bồi đắp trong tâm thức người Việt các giá trị làm nên vị anh hùng khai sơn trị thủy, bảo vệ dân lành; để không chỉ lưu thần tích ngọc phả, nhắc nhớ công ơn, bồi đắp vùng lõi văn hóa với hàng trăm di tích của trung tâm thờ phụng độc đáo xứ Đoài mà còn làm sống lại các giá trị ứng xử hài hòa với thiên nhiên. Mở núi để đóng lại rừng là vậy.
Một hệ sinh thái phong phú đa dạng và độc đáo làm nên hùng vĩ bát ngát Ba Vì cần được bảo tồn để lá phổi bảo vệ Thủ đô và một vùng cư dân rộng lớn trọng yếu trong công cuộc phát triển đô thị và kinh tế - xã hội tránh được sự cọ xát va đập vào môi trường ở chiều kích bất lợi. Khái niệm về biến đổi khí hậu lâu nay tưởng chừng như không liên lụy, chỉ diễn ra ở vùng duyên hải, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long thì gần đây, đang hiển hiện ở sông Đà. Dưới sườn Tây của Tản Viên Sơn, mực nước sông Đà có lúc đã từng hạ về dưới mức báo động. Nếu không có sự can thiệp của con người vào câu chuyện giữ rừng để chống xói mòn, bảo tồn nguồn nước thì e rằng một ngày không xa, chúng ta phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Thiên nhiên có nhiều lý lẽ của riêng mình đòi hỏi sự tôn cẩn một cách nghiêm ngặt của con người. Thiên nhiên cũng lại là bài toán đầy bí ẩn và lý thú bắt con người phải đọc nó một cách thông minh để tìm ra các giá trị phục vụ con người theo hướng sinh nở bảo tồn. Bài toán ấy chính là lời giải của Ba Vì - Tản Viên Sơn vậy.
Những năm gần đây, thường trong câu chuyện chúng tôi vẫn nói với nhau về quê hương, ngoài gia đình, ruột thịt, họ hàng, cuối cùng vẫn là đề tài mở núi. Rằng Ba Vì đang cần những tiếng gõ mở cửa núi, đánh thức mạch nguồn sông suối để sức mạnh lịch sử, văn hóa, thiên nhiên tiềm tàng đồng loạt bật lên, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa phát biểu trong một họp bàn về giải pháp đánh thức Ba Vì. Tới đây, quy hoạch toàn vùng Ba Vì nhất định sẽ lấy vùng lõi văn hóa - lịch sử - sinh thái làm trung tâm để các trục du lịch, kinh tế xoay quanh. Tức là, bảo tồn để phát triển - phát triển để bảo tồn. Trong sự bật lên ấy, “mỏ vàng” lịch sử, văn hóa và sinh thái sẽ phải được tuyệt đối trân trọng, nâng niu. Bởi như lời quả quyết của các bậc hiền nhân xưa về tính biểu tượng của Ba Vì được khẳng định ở tầm độ trí tuệ cao nhất, ở tình cảm ái quốc sâu đậm nhất, đó là: “Tản Viên. Núi ấy là Núi Tổ của nước ta…”.
Tôi đã nương tựa vào hình bóng Núi Tổ Ba Vì trong những phút xa quê để giữ cho lòng được bình yên. Tôi đã mơ nhiều những giấc mơ tương lai mở núi cho con rồng Ba Vì - Tản Viên Sơn bừng thức giấc. Hành trang của kẻ xa quê lâu nay gói buộc tình yêu, giờ thêm đằng đẵng giấc mơ mở núi. Này Ba Vì - Tản Viên Sơn của tôi ơi, cho tôi góp một bàn tay vỗ nhé, dậy thôi, mùa Xuân đã về rồi.
Tôi đã nương tựa vào hình bóng Núi Tổ Ba Vì trong những phút xa quê để giữ cho lòng được bình yên. Tôi đã mơ nhiều những giấc mơ tương lai mở núi cho con rồng Ba Vì - Tản Viên Sơn bừng thức giấc.