Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại 3 địa phương

Mai Đan| 18/11/2022 20:04

(TN&MT) - Chiều 18/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với các mỏ khoáng sản tại Hải Phòng, Lạng Sơn và Thanh Hóa.

img_0308.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng phần diện tích còn lại (đến mức +5m) trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2123/GP-BTNMT ngày 15/9/2016 của Bộ TN&MT tại Khu A núi Trại Sơn, xã An Sơn và xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, ông Vũ Thế Thủ thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư MĐC Việt, đơn vị tư vấn cho biết: Kết quả công tác thăm dò nâng cấp làm sáng tỏ đặc điểm địa chất mỏ, đặc điểm chất lượng và tính chất công nghệ của đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng trong diện tích thăm dò.

Ngoài ra, thi công các công trình thăm dò bao gồm: khoan, tạo rãnh lấy mẫu trên mặt, lấy và phân tích các loại mẫu theo đề án nâng cấp đã được duyệt. Tài liệu thu thập được đảm bảo đủ cơ sở đánh giá về thành phần khoáng vật, thạch học, thành phần hoá, tính chất cơ lý. Kết quả nghiên cứu thành phần vật chất, tính chất cơ lý... đủ độ tin cậy để tính trữ lượng cấp 122.

Kết quả nghiên cứu địa chất thủy văn - địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ đá vôi cho thấy, mỏ có điều kiện khai thác thuận lợi, nằm kề với diện tích đã khai thác xa khu dân cư. Vì vậy, khi khai thác ít có tác động xấu tới môi trường sinh thái của khu vực.

Bà Lê Thị Thanh - Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, từ kết quả lấy và phân tích tính chất cơ lý đá, đơn vị tư vấn đã tính toán, dự báo góc dốc bờ moong qua các tầng khai thác. Trong quá trình khai thác, cần lưu ý các hiện tượng địa chất động lực công trình như trượt lở, sạt lở, karst, đá đổ… Mức độ nghiên cứu địa chất thủy văn - địa chất công trình đáp ứng yêu cầu công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản. Tuy vậy, để bảo đảm an toàn, trong các giai đoạn tiếp theo, đơn vị tư vấn cần bổ sung phân tích tính chất cơ lý của đất đá trong điều kiện bão hòa nước.

img_0285(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các Ủy viên Hội đồng đã thông qua tổng trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng ở cấp 122 là 1.099 nghìn tấn. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, để đảm bảo độ tin cậy, đơn vị tư vấn cần chọn hệ số điều chỉnh có tính đến hang hốc karst bằng 0,98, thay vì 0,95 như báo cáo, làm thông số trong tính toán trữ lượng đá vôi.

Tại cuộc họp, Hội đồng cũng đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi và dolomit công nghiệp tại mỏ đá vôi Lân Nặm, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, với trữ lượng đá vôi và dolomit làm nguyên liệu sản xuất vôi cấp 122 là 10.044 nghìn tấn. Đồng thời, Hội đồng đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất vôi công nghiệp trong phạm vi Giấy phép khai thác khoáng sản số 161/GP-UBND ngày 23/9/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa tại mỏ đá vôi xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn và xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, với tổng trữ lượng đá vôi công nghiệp cấp 122 là 17.699 nghìn tấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại 3 địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO