(TN&MT) - Chiều 10/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với các mỏ khoáng sản tại Thanh Hóa, Hòa Bình và Lào Cai.
Tại cuộc họp, Công ty Cổ phần Khảo sát và Xây dựng - USCO, đơn vị tư vấn đã báo cáo tổng hợp tài liệu đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi dolomit đi kèm trong phạm vi Giấy phép khai thác khoáng sản số 310/GP-BTNMT ngày 29/1/2018 của Bộ TN&MT mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực Lam Sơn, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Đỗ Cao Cường - Công ty Cổ phần Khảo sát và Xây dựng - USCO, đá vôi dolomit có điều kiện khai thác thuận lợi, khi khai thác ít có tác động tới môi trường sinh thái của khu vực xung quanh. Do vậy, cần sớm đưa đá vôi dolomit vào khai thác nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu của nhà máy.
Ông Đỗ Cao Cường cho biết, tổng trữ lượng đá vôi dolomit đi kèm làm phụ gia cho sản xuất xi măng là 3,3 triệu tấn. Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua trữ lượng này, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư (Công ty TNHH Long Sơn) và đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện báo cáo trình Hội đồng phê duyệt.
Báo cáo kết quả thăm dò đá sét làm nguyên liệu xi măng tại các xã Yên Bồng, Khoan Dụ, An Bình và Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Quốc Tú - Công ty CP tư vấn triển khai công nghệ Mỏ - Địa chất, đơn vị tư vấn cho biết: Đơn vị đã thi công các dạng công trình thăm dò (hào tuyến, khoan và dọn sạch vết lộ) và lấy các loại mẫu nghiên cứu thành phần vật chất và chất lượng đá sét cơ bản theo đề án đã được Bộ TN&MT duyệt.
Tài liệu thu thập đảm bảo đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá chất lượng và đặc tính công nghệ, tính chất cơ lý đá sét làm nguyên liệu xi măng trong diện tích thăm dò và tính trữ lượng đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng và đá kẹp (cát, bột kết phong hóa) làm phụ gia bù silic trong sản xuất clanhke của Công ty CP xi măng Xuân Thành (chủ đầu tư).
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, công tác địa chất thủy văn - địa chất công trình đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình các thành tạo địa chất có mặt trong khu vực nghiên cứu; đồng thời tính toán dự kiến lượng nước chảy vào moong khai thác và góc dốc ổn định bờ moong khai thác lộ thiên cho từng khu, là cơ sở cho công tác lập dự án đầu tư và thiết kế khai thác mỏ sau này.
Thứ trưởng và các ủy viên Hội đồng thống nhất thông qua tổng trữ lượng đá sét cấp 121 và 122 làm nguyên liệu sản xuất xi măng là hơn 36,6 triệu tấn ở trạng thái tự nhiên, tương ứng hơn 32,2 triệu tấn ở trạng thái khô, đạt mục tiêu của đề án. Hội đồng cũng thông qua tổng trữ lượng các lớp kẹtcát bột kết phong hóa có khả năng làm phụ gia bù silic trong sản xuất clanhke tại khu III là hơn 4 triệu tấn ở trạng thái tự nhiên, tương ứng hơn 3,6 triệu tấn ở trạng thái khô.
Báo cáo kết quả thăm dò quặng apatit khai trường 27, 28, 29 xã Bản Vược và xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, bà Nguyễn Thị Cúc - Công ty Cổ phần khảo sát địa chất và xây dựng, đơn vị thực hiện cho biết, kết quả thăm dò đã xác định được những đặc điểm cơ bản về cấu trúc địa chất của mỏ, đánh giá chất lượng quặng, điều kiện khai thác mỏ, đủ độ tin cậy để tính trữ lượng ở cấp 121 và 122.
Với kết quả thăm dò trên, Hội đồng đã thông qua trữ lượng quặng apatit loại I, II, III cấp 121 và 122 trong diện tích thăm dò. Cụ thể, với quặng apatit ở trạng thái tự nhiên, tổng trữ lượng quặng apatit loại I, II và III cấp 121 và 122 là hơn 2,9 triệu tấn; với quặng apatit ở trạng thái khô, tổng trữ lượng quặng apatit loại I, II và III cấp 121 và 122 là hơn 2,8 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng thông qua cấp tài nguyên cấp 222 và cấp 333 các loại quặng apatit. Cụ thể, ở trạng thái tự nhiên, tổng tài nguyên quặng apatit loại III cấp 222 là 54.991 tấn, tổng tài nguyên quặng apatit loại I, II, III và IV cấp 333 là hơn 2,4 triệu tấn. Ở trạng thái khô, tổng tài nguyên quặng apatit loại III cấp 222 là 51.593 tấn, tổng tài nguyên quặng apatit loại I, II, III và IV cấp 333 là hơn 2,3 triệu tấn.