Tài nguyên

Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển: Giải “cơn khát cát” để san nền cao tốc

Mai Đan 24/06/2024 21:18

(TN&MT) - Để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung vật liệu cát để san lấp, đắp nền, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc đánh giá tài nguyên và nghiên cứu khả năng sử dụng cát biển được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Cục Địa chất Việt Nam triển khai trong năm 2023 với những kết quả tích cực.

Sử dụng cát biển thay cát sông là giải pháp khả thi

Theo ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng thủy lợi chống xói lở bờ sông - bờ biển.

Điều đó đã dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng nói chung và nhu cầu cát san lấp, cát xây dựng nói riêng tăng lên rất cao. Một số vùng đã xảy ra khan hiếm vật liệu san lấp, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Cửu Long và một số vùng kinh tế ven biển.

2baidan3424-1-.jpg
Sà lan vận chuyển cát tại Tiền Giang

Trước thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành liên quan đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, như: tăng công suất khai thác cát sông lên 150% và hơn nữa; đánh giá tài nguyên và thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp nền đường cao tốc; phát triển cát nhân tạo (cát nghiền từ đá, chất thải rắn từ khai thác mỏ); nghiên cứu xây dựng cầu cạn ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long để giảm sử dụng vật liệu san lấp…

Trong đó, việc đánh giá tài nguyên và nghiên cứu khả năng sử dụng cát biển đã được Cục Địa chất Việt Nam triển khai trong năm 2023 và thu được nhiều kết quả khả quan. Bộ Giao thông vận tải đã thí điểm sử dụng cát biển vùng biển Trà Vinh - Sóc Trăng san lấp nền đường cao tốc, kết quả cho thấy cát biển cơ bản đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.

Cục trưởng Trần Bình Trọng cho biết, Việt Nam có tiềm năng cát biển khá lớn, phân bố ở các vùng biển độ sâu 0 - 100m nước, trong đó các vùng biển tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng biển Sóc Trăng, vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh, vùng biển Phú Quốc - Hà Tiên… rất triển vọng. Các kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy chất lượng cát biển đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp và có khả năng xử lý tuyển rửa làm cát xây dựng.

Trước tình hình khan hiếm nguồn cung vật liệu san lấp, đắp nền, việc sử dụng cát biển thay thế cát sông đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Giải pháp này là khả thi với điều kiện Việt Nam, nhất là việc khai thác cát biển ngoài khơi ở vùng biển độ sâu lớn hơn 20m nước, dự báo sẽ giảm thiểu được tác động đến môi trường sinh thái.

Xem xét sử dụng cát nhân tạo và tận thu cát

Mặc dù sử dụng cát biển thay thế cát sông là giải pháp khả thi, nhưng theo ông Trần Bình Trọng, việc đưa cát biển vào khai thác sẽ tác động ít nhiều đến bờ biển, gây ra tình trạng xói lở cũng như một số ảnh hưởng khác. Do vậy, cần tính kỹ bài toán về khu vực, quy mô, độ sâu, công nghệ, thời điểm khai thác để dự báo được những tác động trong tương lai. Hiện, một số quốc gia sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ khai thác cát biển cho Việt Nam như Hà Lan, Thái Lan, từ đó, việc lựa chọn công nghệ phù hợp sẽ tối ưu hơn.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đá tự nhiên xay mịn (cát nhân tạo) hoặc đá thải từ quá trình khai mỏ cũng là một giải pháp khả thi khác thay thế cát lòng sông làm vật liệu san lấp đắp nền. Tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp dùng đất đá thải từ mỏ than nghiền ra thành cát. Ưu điểm của phương pháp này là tránh phát sinh các bãi thải mỏ gây nguy hiểm, đồng thời tái sử dụng vật liệu trong xây dựng.

image00120240406193042-1-.jpg
Các cơ quan chức năng khảo sát lượng cát biển tại Trần Đề, Sóc Trăng

Ngoài ra, Cục trưởng Trần Bình Trọng cũng đề cập tới giải pháp tận thu cát khi nạo vét bùn theo định kỳ tại các hồ thủy điện theo quy định của Luật Khoáng sản. Trong quá trình nạo vét, tận thu cát và làm sạch thành cát xây dựng, chủ đầu tư thực hiện đóng tiền quyền khai thác vào ngân sách nhà nước và địa phương.

Tại một số địa phương có hồ thuỷ điện như Sơn La, Kon Tum,… việc khai thác cát lòng hồ thủy điện thông qua hút bùn cát, nạo vét định kỳ vẫn thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên cát trong các lưu vực sông, hồ thủy điện, thủy lợi của Việt Nam.

Theo ý kiến của một số cơ quan chuyên môn, cầu cạn là giải pháp tối ưu cho nguồn cung vật liệu cát để san lấp, đắp nền, mặc dù giải pháp này tốn chi phí cao, nhưng tiết kiệm chi phí duy tu, bảo dưỡng. Đường cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long ở vùng lượng mưa cao, lũ lụt thường xuyên, triều xâm nhập sâu và điều kiện đất yếu. Chỉ với việc bố trí hệ thống cầu cạn đủ để thoát lũ thoát ngập, thông triều một cách tự nhiên thì đã tiết kiệm khối lượng khổng lồ đất đắp khi phải nâng cao mặt đường và hệ thống giao thông thủy bộ vốn có của khu vực vẫn hoạt động tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển: Giải “cơn khát cát” để san nền cao tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO