Ngành TN&MT

Hoàn thiện cơ chế sử dụng đất đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp

Hoài Thu 20/09/2024 - 14:03

(TN&MT) - Ngày 20/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã chủ trì cuộc họp về đề xuất nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế sử dụng đất đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản cho mục đích làm vật liệu san lấp của Viện Chiến lược, chính sách TN&MT.

anh-chup-man-hinh-2024-09-20-luc-11.58.13.png
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Thanh Dung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT (CLCS TN&MT) cho biết, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết ban hành về các thủ tục cấp phép thực hiện dự án khai thác vật liệu phục vụ xây dựng đường cao tốc; tuy nhiên hiện nay, các dự án này vẫn chưa thể thực hiện hoàn chỉnh, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai (thỏa thuận, đền bù,...); ngoài ra, các chủ đầu tư thực hiện dự án cao tốc chưa chủ động xác định nguồn nguyên liệu, dự báo nhu cầu sử dụng để có kế hoạch phù hợp.

anh-chup-man-hinh-2024-09-20-luc-11.56.52.png
Ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT báo cáo tại cuộc họp

Để thực hiện dự án khai thác khoáng sản nói chung, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói riêng, cần liên quan đến các thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,… Tuy nhiên, Luật Khoáng sản hiện hành chưa có chế tài điều chỉnh riêng đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp và mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục liên quan.

Đối với khu vực đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản vật liệu xây dựng (tại mỏ và công trình phụ trợ), nhiều nơi liên quan đến đất rừng tự nhiên. Thủ tục cấp phép tại đây khá phức tạp, do đó, không thu hút được nhà đầu tư để đầu tư hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại những khu vực này.

Trong đó, thời hạn các Nghị quyết về xây dựng đường bộ cao tốc, các dự án phát triển kinh tế xã hội nói chung đã gần hết hiệu lực và chưa có cơ chế đặc thù về đất đai để sử dụng đất cho hoạt động khai thác khoáng sản cho mục đích san lấp.

Sau khi có những nghiên cứu bước đầu, Viện đang tập trung vào hướng: Nghiên cứu thêm những điều khoản trong Luật Đất đai và Luật Địa chất khoáng sản, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời, tham vấn và đưa ra các đề xuất tháo gỡ vướng mắc đối với những dự án sau này, liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản cho mục đích làm vật liệu san lấp.

anh-chup-man-hinh-2024-09-20-luc-11.58.43.png
Ông Lê Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Đóng góp ý kiến trong cuộc họp, ông Lê Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai cho rằng, Luật Đất đai đã có những quy định để triển khai thi hành công trình cao tốc và công trình khoáng sản. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp phép; đối với các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường do UBND tỉnh cấp phép, Nhà nước không thu hồi đất.

Vì vậy, khi được cấp phép khai thác khoáng sản đối với những khu vực đất đã giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân thì doanh nghiệp phải tự thỏa thuận bồi thường với người dân để nhận chuyển nhượng, hoặc thuê lại đất khai thác khoáng sản, đồng thời, cần thực hiện thủ tục thuê đất và nộp tiền thuê đất cho Nhà nước. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong giao dịch, cũng như tăng chi phí sản xuất và thời gian.

anh-chup-man-hinh-2024-09-20-luc-11.57.36.png
Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đóng góp ý kiến tại cuộc họp

Bổ sung ý kiến, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đề xuất, Viện cũng cần nghiên cứu chặt chẽ đến các nguyên tắc về việc xây dựng các quy định trong 2 bộ Luật: Đất đai và Khoáng sản, bởi liên quan đến nhiều thủ tục hành chính, các quy định cụ thể trong việc thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản trên đất (đất Nhà nước, đất quy hoạch, đất sở hữu,…).

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá, đây là một vấn đề “nóng” đang rất được quan tâm hiện nay, vì các dự án thi công cao tốc liên quan đến nhu cầu cấp thiết của xã hội.

anh-chup-man-hinh-2024-09-20-luc-11.59.11.png
Toàn cảnh cuộc họp

Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Viện CLCS TN&MT cần khẩn trương nghiên cứu quy định hiện hành, tham khảo và lấy ý kiến tư vấn, phối hợp với Vụ Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai,… tham mưu, đề xuất nội dung các Nghị định/ Nghị quyết mới, cho phép địa phương thực hiện rút gọn các thủ tục về đất đai như thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đảm bảo lợi ích các bên, đáp ứng yêu cầu, tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc.

Nội dung cần làm rõ theo từng lĩnh vực, cơ chế đặc thù đối với từng khu vực như khu vực chưa nằm trong quy hoạch nhưng có nguồn nguyên liệu phù hợp để làm vật liệu san lấp; khu vực đã được quy hoạch sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản nhưng chưa đủ điều kiện/ thủ tục khai thác; các loại đất được áp dụng cơ chế đặc thù và rút gọn thủ tục liên quan như thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,…

Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Viện CLCS TN&MT phối hợp với Vụ Pháp chế tập trung nghiên cứu khảo sát địa hình, chi phí vận chuyển, chi phí xây dựng, quy hoạch đất đai phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản, thiết lập khu vực xả thải,… của những công trình xây dựng, dự án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện cơ chế sử dụng đất đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO