Khoáng sản

Sử dụng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp: Đảm bảo an toàn, bền vững

Mai Đan 20/08/2024 - 11:15

(TN&MT) - Trong bối cảnh nhiều dự án giao thông trọng điểm đang khát nguồn cát đắp nền, việc sử dụng cát biển làm nguồn vật liệu thay thế đang là giải pháp tối ưu. Theo nhiều nghiên cứu trong nước, kết quả cho thấy cát biển ven biển Việt Nam đáp ứng hầu hết các yêu cầu về vật liệu làm nền đường, việc sử dụng cát biển làm nguồn nguyên liệu thay thế còn có một số tác động tích cực đến môi trường như giảm lượng cát sông khai thác hàng năm, giảm thiểu tác động của việc khai thác cát sông.

Theo ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, hiện nay ở nước ta nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn, trong đó các công trình hạ tầng nói chung và công trình đường bộ nói riêng luôn đòi hỏi một khối lượng lớn vật liệu sử dụng làm lớp nền, móng, mặt đường.

Nhu cầu sử dụng vật liệu cát dùng để đắp nền đường sử dụng trong các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án đường ô tô cao tốc là rất lớn; tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2022 - 2025 đồng loạt triển khai nhiều dự án như các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu đốc Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh…, đó là chưa kể đến Dự án đường vành đai 3 Hồ Chí Minh và hàng loạt các dự án của địa phương.

quyet-dinh-mo-rong-thi-diem-su-dung-cat-bien-lam-vat-lieu-san-lap_66462c40273ea-1-.jpg
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông

Với thực trạng nguồn vật liệu cát đắp nền hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù trữ lượng có thể đáp ứng đủ nhu cầu các dự án, nhưng do công suất khai thác bị hạn chế bởi các đánh giá về tác động môi trường nên không thể đáp ứng kịp nhu cầu theo tiến độ của dự án. Ngoài ra, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ mạng lưới 2021 - 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, hàng loạt các dự án cao tốc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được đầu tư trước năm 2030, khi đó nhu cầu về vật liệu xây dựng thông thường, nhất là cát đắp nền là rất lớn.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông với các giải pháp, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công...) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

Trước thực trạng thiếu hụt nguồn cát đắp nền cho dự án, Thủ tướng đã chỉ đạo và Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền tại đoạn đường hoàn trả ĐT.978 thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, kết quả thí nghiệm mẫu cát biển sử dụng thí điểm đều đáp ứng các chỉ tiêu cơ lý để sử dụng cho đắp nền đường. Ngày 20/12/2023, Hội đồng đánh giá cấp Bộ đã tổ chức họp đánh giá, kết quả là việc sử dụng cát biển là khả thi, tuy nhiên cần thí điểm mở rộng với quy mô lớn hơn để tiếp tục nghiên cứu đánh giá.

Đối với đoạn thí điểm tại ĐT.978 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2023 đến nay, chưa phát hiện có bất thường gì về chất lượng công trình cũng như môi trường xung quanh. Tình trạng nền mặt đường ổn định và dọc hai bên tuyến, người dân vẫn nuôi tôm và trồng lúa xen canh bình thường.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Dự án đang tổ chức thí điểm mở rộng việc thi công sử dụng cát biển tại Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau đối với đoạn tuyến qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, là các khu vực đã nhiễm mặn. Quá trình thi công cát biển sẽ được các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các cơ quan chức năng của địa phương (Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương…) phối hợp kiểm tra thường xuyên để kiểm soát chặt chẽ việc tác động đến môi trường xung quanh.

Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết: “Để sử dụng cát biển đạt hiệu quả làm vật liệu đắp nền đường giao thông, trong quá trình thi công, việc tổ chức quan trắc môi trường và đánh giá ảnh hưởng đến môi trường đã được triển khai. Công tác thi công cần có chỉ dẫn kỹ thuật đầy đủ và được tư vấn giám sát, theo dõi chặt chẽ từng công đoạn như: đo độ mặn của nước trong lòng tàu, nước sông tại vị trí tàu neo đậu chuẩn bị tập kết, độ mặn ao, ruộng hai bên đoạn tuyến chuẩn bị thi công... Việc thi công phải kiểm soát độ mặn đảm bảo giới hạn cho phép đối với vật nuôi, cây trồng hai bên tuyến theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 2841/BNN-KL ngày 19/4/2024”.

Xoay quanh “điểm nóng” thiếu cát trong san lấp tại nhiều dự án giao thông trọng điểm phía Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, để có nguồn cung ổn định hơn cho các dự án giao thông phía Nam, chúng ta cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp căn cơ và lâu dài. Trong đó, giải pháp xây dựng cầu cạn thay thế đang là một giải pháp được giới chuyên môn và dư luận quan tâm.

Ông Lê Đức Tuân cho rằng, đối với giải pháp cầu cạn, Bộ GTVT và các Bộ liên quan, các nhà khoa học đã có nhiều buổi hội thảo, tọa đàm cho thấy rõ lợi ích của giải pháp cầu cạn về nhiều mặt, tuy nhiên để áp dụng cần phải có tính toán cụ thể đối với từng khu vực và nguồn lực của đất nước hiện nay vì chi phí đầu tư xây dựng ban đầu của cầu cạn lớn hơn nhiều so với giải pháp truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp: Đảm bảo an toàn, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO