Dân tạm trữ cà phê, thị trường có lợi

23/02/2014 00:00

(TN&MT) - Thời gian gần đây, người dân Đắk Lắk đua nhau mua tạm trữ cà phê, “găm” hàng đợi giá cao mới bán.

   
(TN&MT) - Cà phê là mặt hàng chủ lực và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Trước đây, người nông dân làm ra hạt cà phê phụ thuộc rất lớn vào biến động từ giá cả từ thị trường. Nhưng trong thời gian gần đây, người dân Đắk Lắk đua nhau mua tạm trữ cà phê, “găm” hàng đợi giá cao mới bán.
   
   
Tạm trữ để chờ giá
   
  Hiện tượng người dân mua cà phê từ đại lý về nhà trữ bắt đầu từ trước Tết Nguyên Đán 2014, khi giá cà phê nhân xô đang ở mức 33.000 - 34.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng cà phê thu lãi khá thấp, riêng những hộ phải thuê người làm thì rất khó có lãi. Mức giá cà phê nhân xô trên địa bàn tỉnh hiện đã tăng lên 37.000 - 39.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn mua tạm trữ, chờ giá cao mới bán.
   
  Ông Nguyễn Văn Đệ (ở xã Ea Đing, huyện Cư M’gar) cho biết: “Gia đình tôi có gần 7ha cà phê và năm nay thu được khoảng 20 tấn. Trước Tết, gia đình tôi còn mua thêm hơn 10 tấn cà phê từ đại lý và các hộ dân khác. Không chỉ có gia đình tôi mà rất nhiều người dân trong xã cũng mua cà phê về trữ, khi nào được giá trên 40.000 đồng/kg sẽ bán”. Theo một số đại lý thu mua cà phê tại Đắk Lắk, chưa bao giờ hiện tượng tạm trữ cà phê lại sôi động như năm nay. Người dân “mua ngược” cà phê từ các đại lý, ít thì vài tấn và nhiều cũng lên tới cả vài chục tấn. Bà Nguyễn Thị Nhạn  (chủ đại lý Hải Ngân, ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cho hay: “Chưa có năm nào người dân mua nhiều như năm nay. Từ tết đến giờ, đại lý đã bán khoảng 200 tấn cà phê cho người dân quanh khu vực này. Nguồn cà phê này được mua từ những hộ dân ở vùng sâu hơn do họ có ít và bán lấy tiền trang trải”.
   
   
  Không chỉ có mình người dân mua cà phê về trữ mà có rất nhiều “nhà đầu tư” nhỏ lẻ đã tìm đến với mặt hàng cà phê. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty Đầu tư - Phát triển An Thái, nhận định: “Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều  nhà đầu tư tại Đắk Lắk mua tạm trữ cà phê cũng là điều dễ hiểu. Bởi trong thời gian qua, các hình thức kinh doanh khác như: chứng khoán, vàng, đô-la, bất động sản… ít mang lại hiệu quả. Trong khi đó, kinh doanh cà phê vừa dễ mang lại hiệu quả, vừa đảm bảo sự an toàn cho người đầu tư”. Theo ông Trương Quang Trình, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, việc người dân tạm cà phê cũng xuất phát từ những thông tin về tình hình hạn hán ở Braxin (nước xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới) làm giảm đáng kể năng suất (ước tính giảm khoảng 30%). Tại Đắk Lắk, nếu tình trạng nắng nóng cứ tiếp tục kéo dài thì sản lượng vụ sau sẽ khá thấp. Giá cả sẽ hướng đến lợi ích của những người có trữ cà phê.
   
   
Làm thị trường cà phê sôi động
   
  Một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê cho rằng, việc người dân “găm” hàng không phải là một hiện tượng mới. Có chăng, đây chỉ là một hình thức giao dịch mới giữa người dân hay những “nhà đầu tư” với các đại lý cà phê. Ông Nguyễn Xuân Lợi cho biết: Trước đây, người đầu tư vào cà phê cũng mua bán nhưng theo kiểu “ký gửi” chứ không phải kiểu “giao tiền - nhận hàng” như hiện tại. Hình thức “ký gửi” đơn giản hơn vì người mua bán cà phê và các đại lý chỉ cần chốt giá ngày mua, ngày bán, lập giấy ký nhận và giao tiền. Nhưng người “ký gửi” thường bị thiệt thòi hơn do phải bán cho đại lý mình đã gửi (cà phê hoặc tiền), có thể giá sẽ thấp hơn chút ít cách thanh toán sẽ “chậm chạp” hơn. Trong khi đó, việc rất nhiều đại lý cà phê lớn trong địa bàn Đắk Lắk vỡ nợ trong thời gian qua đã khiến cho người dân cảm thấy bất an với hình thức mua bán cũ. Họ không dám tin tưởng để gửi các đại lý nữa mà trực tiếp đến đó mua cà phê rồi cho chở về tại nhà mình cho “chắc ăn”.
   
  Việc người dân tạm trữ hàng và thực hiện giao dịch kiểu “giao tiền - nhận hàng” làm cho các đại lý và DN xuất khẩu cà phê chủ động hơn trong việc mua bán. Ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, cho hay: “Khi người dân bán ra nhiều, công ty phải mua và xuất khẩu ra nước ngoài nhiều, điều đó sẽ gây ra những áp lực về tài chính và áp lực trong chế biến. Việc trữ cà phê của người dân cũng thuận lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu như công ty vì có lượng hàng ra đều và không bị nước ngoài chèn ép giá”. Cũng theo ông Anh, việc người dân trữ cà phê là điều tốt hơn so với các doanh nghiệp hay nhà nước trữ. Nhưng cũng cần xem xét kỹ vấn đề thời gian, nhất là những thời điểm mà Braxin hoặc Indonesia (hai nước có lượng cà phê lớn) bước vào thu hoạch. Không nên khuyến khích người dân trữ hàng khi được giá, nếu đạt mức giá mong muốn thì không nên can thiệp vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
   
   
  Vì thế, việc người dân đi mua cà phê của đại lý, DN về tạm trữ không có gì bất thường và chỉ làm cho thị trường cà phê sôi động thêm mà thôi. Ông Nguyễn Xuân Lợi cho rằng: “Trước đây, một số người dân có tiền đến mua cà phê tại các đại lý, DN rồi gửi ở đó luôn nên khó nhận biết việc này. Khi họ đến đại lý, DN mua về tạm trữ, hàng xóm và mọi người sẽ biết và kích thích những người khác có tiền cũng đi mua cà phê về tạm trữ. Từ đó, thị trường cà phê sẽ sôi động hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn cho xã hội”. Cũng theo ông Lợi, việc dùng tiền đầu tư vào bất động sản hay gửi ngân hàng hiện không có lãi nhiều nên người dân đầu tư mua cà phê tạm trữ là hợp lý vì mặt hàng này có tính thanh khoản cao. 
   
DN gặp khó khi không được hoàn thuế
        
Trong thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu cà phê ở Đắk Lắk gặp khó về nguồn vốn khi không được Cục thuế tỉnh Đắk Lắk hoàn thuế giá trị gia tăng. Trước việc nhiều DN “ma” kinh doanh trên địa bàn tỉnh kinh doanh theo hình thức “mua bán khống” để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, Cục thuế tỉnh Đắk Lắk đã tạm ngưng hoàn thuế nhiều DN xuất khẩu cà phê để tránh thất thu thuế. Hiện có 6 DN xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang bị Cục thuế tỉnh nợ tiền hoàn thuế lên tới hơn 150 tỷ đồng. Ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, cho biết: “Công ty chúng tôi hiện đang bị Cục thuế tỉnh Đắk Lắk nợ khoảng 22 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, vì thế chúng tôi không chủ động được vốn và sản lượng thu mua cà phê giảm khoảng 8.000 tấn so với cùng kì. Nếu Cục thuế tỉnh Đắk Lắk không sớm hoàn thuế cho các DN, việc xuất khẩu cà phê của nhiều DN trên địa bàn tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến việc thu mua cà phê của người dân”.
        
    
  Bài & ảnh: Lê Phước
           
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân tạm trữ cà phê, thị trường có lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO