Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân
(TN&MT) - Để ứng phó với hạn, mặn, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Không để người dân thiếu nước sinh hoạt
Sáng 12/3, thông tin với Phóng viên, ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Mùa khô năm 2023-2024, mặc dù hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn so với các năm trước, nhưng do có sự chủ động từ trước, nên từ đầu mùa khô đến nay, Trung tâm vẫn đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, chưa xảy ra tình trạng người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Thành Dũng, để có được kết quả này trong thời gian qua, Trung tâm đã không ngừng đầu tư nâng công xuất các công trình cấp nước tập trung; nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý và vận hành tổng cộng 141 công trình cấp nước tập trung với công suất thiết kế từ 168 đến 2.874m3/ngày đêm; tổng chiều dài tuyến ống cấp nước hơn 3.541 km, phục vụ cấp nước cho hơn 141.400 hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia từ hệ thống cấp nước tập trung của trung tâm đạt 61,3%.
Còn tại Hậu Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, độ mặn tại một số tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, tuy nhiên, đến thời điển này vẫn chưa ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang cho biết: Từ đầu năm 2024, nguồn nước mặn từ biển Tây xâm nhập vào một số tuyến sông, rạch của tỉnh Hậu Giang nhưng đến nay, những vị trí Công ty đặt trạm cấp nước trên sông Hậu, sông Ngã Bảy, kênh Xáng Xà No,... chưa bị tác động bởi xâm nhập mặn, hoạt động cấp nước cho người dân địa phương vẫn được đảm bảo thông qua mạng lưới đường ống dẫn nước đã đấu nối liên thông phủ khắp đến tận các xã, ấp.
Long Mỹ là một trong những địa phương của tỉnh Hậu Giang thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ cho biết, dù nồng độ mặn trên một số tuyến sông, rạch đang lên cao, song do các cơ quan chức năng dự báo sớm đã giúp chính quyền và người dân chủ động thực hiện các giải pháp. Vì vậy, đến thời điểm này nguồn nước sinh hoạt của người dân vẫn được đảm bảo thông qua hệ thống cấp nước sạch của Trung tâm, Công ty Cấp thoát nước, chưa để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Cũng theo ông Lê Hồng Việt, ngoài sự chủ động của các cơ quan, đơn vị chức năng, do nhiều năm chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn, người dân trên địa bàn huyện cũng đã linh hoạt tự trang bị các lu, khạp hoặc được một số tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ bồn nhựa, inox để lưu chứa nước, góp phần phục vụ cho các sinh hoạt hàng ngày của gia đình, nhất là vào những tháng mùa khô hàng năm.
Tại TP. Cần Thơ, mặc dù ít bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, TP. Cần Thơ cũng đã chủ động đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn TP. Cần Thơ, trong giai đoạn năm 2021 - 2023, Thành phố đã đầu tư gần 500 km đường ống dẫn nước sạch đến tận các vùng sâu, vùng xa của thành phố. Do vậy, đến nay việc cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng vẫn được đảm bảo.
Giải pháp, kế hoạch ứng phó thích hợp
Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đang theo dõi sát tình hình và dự báo diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn từ các các cơ quan chuyên môn; rà soát tình hình hoạt động và thường xuyên đo độ mặn của các công trình cấp nước đánh giá ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến việc cung cấp nước sạch để kịp thời có giải pháp, kế hoạch ứng phó thích hợp; đồng thơi, Trung tâm cũng đang tập trung triển khai thực hiện các công trình thuộc Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
"Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm sẽ bơm dẫn nước bằng đường ống mềm dẫn nước tạm thời từ các trạm cấp nước chưa bị ảnh hưởng đến điểm công cộng cần cung cấp nước; vận hành xe bồn chở nước đến nơi hạn hán, xâm nhập mặn; đồng thời, thỏa thuận đấu nối đường ống cấp nước và mua nước qua đồng hồ tổng với các đơn vị cấp nước trong tỉnh và các địa phương giáp ranh như Hậu Giang, Bạc Liêu để đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho người dân sử dụng", ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho hay.
Còn ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang cho biết: Trong trường hợp mặn xâm nhập đến những khu vực đặt nhà máy cấp nước và không thể lấy nước xử lý cung cấp cho người dân sử dụng, Công ty sẽ lấy nước ngầm tại 13 giếng khoan hiện có ở các huyện Châu Thành, Long Mỹ, Vị Thanh, Phụng Hiệp,... Với sự chủ động, linh hoạt này sẽ đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho người dân trong mùa khô này.
Thực hiện theo quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 và các chủ trương của TP. Cần Thơ, hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn TP. Cần Thơ cũng đang tập trung xây dựng kế hoạch chuyên ngành cấp nước sạch cho khu vực nông thôn để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp cũng như mở rộng mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn thành phố, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho người dân sử dụng trong thời gian tới,
Ngoài sự chủ động của các đơn vị cấp nước thì người dân ở các địa phương vùng ĐBSCL cũng đang tranh thủ khi con nước ròng lấy nước ngọt trên các sông, kênh rạch tích trữ bổ sung vào các ao, mương, lu, khạp. Ông Vu Suổi (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Năm nay nắng nóng, xâm nhập mặn gay gắt hơn năm 2023, nhưng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của gia đình tôi vẫn được đảm bảo thông qua hệ thống ống cấp nước sạch của cơ quan chức năng và các bồn lưu chứa nước tôi đã chuẩn bị từ trước. Hiện nay, tôi đang tranh thủ khi con nước ròng lấy nước bổ sung vào các mương và bồn để tích trữ đảm bảo phục vụ sinh hoạt hàng ngày cũng như tưới mát cho cây trồng".