Đảm bảo hài hòa quyền lợi nhân dân trong Luật Đất đai
Ngày 31/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự, chỉ đạo Hội thảo. Thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố phía Nam; các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, pháp lý và giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Hội thảo.
Luật hóa chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực đất đai
Quan tâm đến những điều luật liên quan đến chính sách đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo đề nghị cần nghiên cứu xây dựng một chương, mục riêng trong luật Đất đai về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, để thể chế hóa chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực đất đai.
Trên thực tế, những bất cập về chính sách pháp luật và thực tiễn cùng công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo đã dẫn đến nhiều vụ việc xung đột đất đai nói chung, đất đai ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng, gây ra những điểm nóng chính trị - xã hội phức tạp. Trong những nguyên nhân dẫn tình trạng này là: giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa hợp lý; ranh giới đất không rõ ràng, thiếu căn cứ pháp lý, thiếu hồ sơ quản lý đất đai; có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa phong tục, tập quán sử dụng đất với pháp luật và các quy phạm hành chính trong quản lý đất đai vùng đồng bào dân tộc…
Góp ý cụ thể với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về những nội dung liên quan đến đất đai vùng đồng bào dân tộc, ông Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung quy định về việc thu hồi đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoạt động kém hiệu quả để giao cho hộ gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số có nhu cầu và khả năng sản xuất tại địa phương; quy định cơ chế thỏa thuận, quyền của người dân tộc thiểu số khi thu hồi đất; quy định tỷ lệ tái đầu tư cho cộng đồng dân tộc thiểu số khi bị thu hồi đất cho mục đích khác của Nhà nước và doanh nghiệp…
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã quan tâm hơn đến giải quyết vấn đề đất đai của người dân tộc. Từ nhiều năm trước, đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng làm rẫy lấy đất ở, sau đó bán lại đất cho người khác và tiếp tục phá rừng lấy đất. Đến bây giờ không được phá rừng nữa, đồng bào không còn đất. Khi không cho chuyển nhượng đất, đồng bào sẽ “bán chui” với giá rẻ và chịu thiệt thòi. Vì vậy, cần quan tâm giải quyết đến vấn đề sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ngay trong các quy định về luật, chứ không chỉ tư duy về đất một cách thuần túy. Cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất và đảm bảo sinh kế cho người dân tộc thiểu số ngay trong luật.
Ghi nhận các ý kiến của đại biểu về chính sách về đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, vấn đề giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Để giải quyết những vấn đề chưa hợp lý, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đảm bảo quyền có đất có rừng của đồng bào dân tộc và bổ sung các quy định liên quan đến đảm bảo tập quán, sinh kế của người dân, sinh thái của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phải giải quyết được bài toán tài chính đất đai
Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu về những quy định tài chính đất đai trong Luật Đất đai, nhất là vấn đề định giá đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Các vấn đề tài chính đất đai liên quan trực tiếp đến quyền lợi các bên trong giao dịch, giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp. Các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này cần đảm bảo quyền về đất đai, sử dụng đất đai, đồng thời tạo niềm tin và khuyến khích, thúc đẩy thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh. Tài chính đất đai phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai, phát huy giá trị đất đai, giải phóng sức sản xuất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, nội dung chính của Nghị quyết số 18/NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là làm sao để có thể làm giàu từ đất, làm sao để Nhà nước, doanh nghiệp, người dân làm giàu từ đất. Nhà nước với quyền lực công cộng là quy hoạch và tất cả đều phải dựa vào quy hoạch. Nhà nước quy hoạch, thu hồi đất và trao cho doanh nghiệp với đảm bảo an toàn về thời gian sử dụng để kinh doanh; khi người dân mua, Nhà nước đảm bảo quyền cho người dân.
"Quyền sử dụng trên từng ô, thửa đất phải là một quyền tài sản chắc chắn và việc thu hồi quyền sử dụng đất phải là công việc của Nhà nước chứ không thể là của doanh nghiệp. Thu hồi theo giá như thế nào là một câu chuyện khó, nhưng nếu coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản, giá thu hồi sẽ tuân theo sự cạnh tranh, trên cơ sở giá cả hợp lý, phù hợp với thời điểm của các nhà sử dụng đất đưa ra trong đấu thầu. Cần nâng cao quyền tự quyết của các địa phương, thể hiện trong quy hoạch, tổ chức đấu thầu chọn ra nhà phát triển đất" - ông Phạm Duy Nghĩa nêu ý kiến.
Góp ý về quy định giá đất trong luật, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng cần xác định chỉ có giá của quyền sử dụng đất với tư cách là loại hàng hóa đặc biệt có giá trị chứ không phải giá đất vì đất là thuộc sở hữu toàn dân. Việc xác định giá đất theo giá cả trên thị trường là rất phức tạp, nên phải chấp nhận nguyên tắc tương đối, có sai số. Vì thế, cần tách biệt hai trường hợp là định giá quyền sử dụng đất để thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và định giá để bồi thường cho người dân bị thu hồi đất. Tại một số nước, định giá thực hiện nghĩa vụ tài chính cơ bản tham khảo giá đóng thuế đất, còn giá để bồi thường cho dân trên cơ sở thương lượng và tính toán đồng bộ.
Ông Trần Du Lịch ủng hộ quan điểm giao cho Chính phủ đưa ra phương pháp định giá đất mang tính hướng dẫn để HĐND địa phương lựa chọn, tính toán trên thực tế của mỗi địa phương và chỉ liên quan đến nghĩa vụ tài chính. Trong tương lai, phần lớn không còn giao đất mà đấu giá, đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất, việc đánh giá rất đơn giản trên cơ sở thị trường. Bên cạnh đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân cần quan tâm đến yếu tố nguồn gốc đất, tính đặc thù về nguồn đất của người dân tại các địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về các điều, khoản trong Dự thảo Luật quy định về công chứng, chứng thực liên quan đến đất; quy định liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư cho người bị thu hồi đất; bổ sung quy định đảm bảo quyền của người tiêu dùng phù hợp với quy định của Liên hợp quốc và các công ước quốc tế…