Triển khai Luật Đất đai 2024

Gấp rút xây dựng Kế hoạch và hệ thống văn bản dưới Luật

Trường Giang (thực hiện) 22/02/2024 - 09:17

(TN&MT) - Để đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành Luật. Đồng thời, tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai; Tổ chức các đợt phổ biến Luật Đất đai… Đó là chia sẻ của bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT với phóng viên Báo TN&MT về việc đưa Luật vào cuộc sống.

chi-thanh-my.jpg
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT

PV: Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật đã trải qua 4 Kỳ họp Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Xin bà cho biết về các điểm mới nổi bật của Luật?

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ: Phải nói rằng đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương với 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều, đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp.

So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, theo dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất…

Luật Đất đai 2024 đã thể chế 5 quan điểm, 3 mục tiêu, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn đã được định hướng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bảo đảm giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước; cũng là kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân; góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới.

PV: Một trong những vấn đề mới, được người dân hết sức quan tâm là quyền và nghĩa vụ của người dân trong Luật, xin bà cho biết các quy định mới về nội dung này so với Luật Đất đai năm 2013?

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ: Đây là một trong nhưng nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, Luật Đất đai đã có những quy định đổi mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, cụ thể: Về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để đảm bảo không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai, đồng thời thống nhất với quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật được hoàn thiện theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước). Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cơ bản vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành.

Quy định nhóm người sử dụng đất gồm thành viên hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân. Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện đăng ký biến động hoặc tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì các thành viên cùng nhau thực hiện hoặc ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.

Bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được UBND cấp huyện phê duyệt. Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh cho cá nhân khác và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.

Quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cho cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa trong hạn mức được giao đất nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả; bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.

Đặc biệt, Luật Đất đai đã dành nhiều điều quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, theo đó tiếp tục khẳng định Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

1(1).jpg

PV: Theo thống kê, phần lớn các vụ khiếu kiện thường liên quan đến đất đai, nhất là trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vậy Luật đã có những quy định nào để hạn chế, giải quyết được vấn đề này, thưa bà?

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ: Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai cho thấy, việc khiếu kiện của người dân không phải chỉ liên quan đến các quy định của pháp luật đất đai, mà còn liên quan đến khâu tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai. Luật Đất đai 2024 đã có những quy định nhằm giải quyết vấn đề này, cụ thể: Luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương.

Quy định sự tham gia của người dân ngay từ đầu, cụ thể trước khi thông báo thu hồi đất được ban hành, UBND cấp xã nơi có đất thu hồi chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các cơ quan có liên quan, tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến. Quy định phải niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi trong thời hạn 30 ngày.

Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc nhà ở.

Quy định khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.

Quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp; các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất… để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Luật cũng đã quan tâm để chủ sở hữu tài sản mà không đồng thời là chủ sử dụng đất, người bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất được biết khi Nhà nước thu hồi đất...

Tôi cho rằng, những quy định trên sẽ góp phần giảm khiếu kiện về đất đai trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gấp rút xây dựng Kế hoạch và hệ thống văn bản dưới Luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO