Đắk Lắk: Vẫn còn sản phẩm cà phê “bẩn”

23/01/2015 00:00

(TN&MT) - Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở chế biến cà phê “bẩn” ngay tại “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

   
(TN&MT) - Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở chế biến cà phê “bẩn” ngay tại “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Thông tin này đang tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng, đồng thời làm giảm uy tín của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ngay trước ngày diễn ra Lễ hội cà phê 2015.
   
Cà phê “bẩn” giữa “thủ phủ”
   
  Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung được xem là “thủ phủ” cà phê của cả nước. Với diện tích hơn 200.000ha và sản lượng trung bình khoảng 400.000 tấn/năm, cà phê được xem là sản phẩm chiến lược, làm nên thương hiệu (cà phê Buôn Ma Thuột) và mang lại nguồn thu chủ lực cho địa phương.
   
Một cơ sở chế biến cà phê “bẩn” mới bị lực lượng chức năng phát hiện ngày 19/1
   
  Thế nhưng, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cà phê trên địa bàn Đắk Lắk vẫn đang bộc lộ sự thiếu chặt chẽ. Ngoài sản phẩm cà phê Nhân hiện đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, việc quản lý các sản phẩm khác như cà phê bột, cà phê hòa tan… vẫn còn nhiều kẽ hở. Lợi dụng vấn đề này, một số doanh nghiệp đã chế biến và đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường một số sản phẩm cà phê “bẩn”.
   
  Mới đây, vào ngày 19/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk đã bất ngờ kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của ông Nguyễn Đình Quang (SN 1983) ở thôn 14 (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong nhà xưởng cáu bẩn, không đảm bảo vệ sinh có chứa hàng chục bao bắp, đậu nành (nhiều khối lượng đã rang, tẩm hóa chất) và một số phẩm màu, hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến cà của xưởng và cũng thừa nhận sản phẩm của mình chỉ có… 10% cà phê, số còn lại là đậu nành, bắp và hóa chất. Mỗi ngày, cơ sở này chế biến khoảng 100kg cà phê, sau đó đóng gói thành bao (mỗi bao 50kg) rồi đi “bỏ mối” với giá 60.000 đồng/kg cho các điểm bán lẻ ở Đắk Nông.
   
  Trước đó, vào năm 2013, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (QLCL NLS - TS) Đắk Lắk (trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh) đã kiểm tra và phát hiện hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến cà phê mất an toàn, kém chất lượng trên toàn tỉnh. Đến năm 2014, Chi cục cũng tiến hành kiểm tra 17 cơ sở, phát hiện 5 cơ sở có các hành vi vi phạm bị xử phạt tổng số tiền 61,5 triệu đồng. Trong số này, cơ sở của ông Quang bị xử phạt số tiền 37,5 triệu đồng và bị Chi cục thu giữ 105kg cà phê bột (loại 300kg/gói) nhãn hiệu Nhất Thiên kém chất lượng.
   
  Vì lợi nhuận, vẫn có nhiều cơ sở như của ông Quang cố tình cho “mạnh tay” bắp, đậu nành… trong sản phẩm cà phê của mình. Với nguồn nguyên liệu giá rẻ, cà phê “bẩn” hiện có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/1kg, thậm chí còn thấp hơn. Trong khi đó, giá thành các sản phẩm cà phê có thương hiệu trên địa bàn Đắk Lắk như: Trung Nguyên, Mêhicô, An Thái… vẫn đang giữ mức trên 100.000 đồng/1kg. Thực tế, các sản phẩm cà phê “bẩn” mang lại lợi nhuận trực tiếp cho người sản xuất, người kinh doanh nên chúng vẫn tồn tại và cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm cà phê có thương hiệu tại Đắk Lắk.
   
Sẽ dần được quản lý
   
  Thế nhưng, khi sản phẩm cà phê “bẩn” chiếm được nhiều thị phần, cũng là lúc quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk cho rằng: “Ngũ cốc rang cháy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, còn mức độ ảnh hưởng thì tùy thuộc vào từng loại và nhiệt độ khi rang. Đặc biệt, việc sử dụng các loại phụ gia, hóa chất không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc trong chế biến cà phê cũng tiềm ẩn những mối nguy hại khó lường. Với trách nhiệm của hội, chúng tôi thường xuyên cảnh báo người tiêu dùng không nên sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của mình”.
   
Các sản phẩm cà phê bột tại Đắk Lắk sẽ được quản lý ngày càng tốt hơn
   
  Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, những cơ sở chế biến cà phê kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín chung của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Chính vì vậy, trong năm 2015, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ thành lập hội những nhà rang xay cà phê nhằm tiến tới quản lý chặt chẽ sản phẩm cà phê bột (lâu nay chỉ quản lý sản phẩm phẩm cà phê nhân). “Các thành viên trong hội sẽ thỏa thuận để đưa ra quy chế quản lý nội bộ và trên bao bì các sản phẩm sẽ sử dụng logo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Các cơ sở đủ điều kiện (dựa theo các tiêu chuẩn Nhà nước ban hành) thì được in logo trên bao bì các sản phẩm của mình. Cơ sở nào không đủ điều kiện mà vẫn cố tình in logo lên thì hội sẽ kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định” - ông Minh cho hay.
   
  Còn ông Trần Quốc Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCL NLS - TS Đắk Lắk, cho rằng: “Phần lớn các cơ sở chế biến cà phê không đảm bảo, kém chất lượng, sau khi bị kiểm tra và xử phạt đã tích cực khắc phục. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ sở hám lợi, luôn tìm thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng thì việc phát hiện sai phạm khi kiểm tra định kỳ là rất khó. Chính vì vậy, sắp tới Chi cục sẽ thường xuyên phối hợp với các ban, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện sai phạm, Chi cục không chỉ xử lý nghiêm mà còn cung cấp danh tính các đơn vị này rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
   
Lê Phước
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Vẫn còn sản phẩm cà phê “bẩn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO