Đà Nẵng: Tiết kiệm năng lượng gắn với tăng trưởng xanh trong dịch vụ khách sạn

18/06/2019 10:36

(TN&MT) - Cùng với sự phát triển du lịch tại TP biển Đà Nẵng, hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn “mọc” lên khiến nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng “nóng” tương ứng. Với quyết tâm trở thành “Thành phố Môi trường”, “Thành phố Carbon thấp” và chọn xu thế “Tăng trưởng xanh”, Đà Nẵng đang hướng đến việc tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực khách sạn. 

Mức tiêu thụ điện năng trong nhóm ngành thương nghiệp, khách sạn tại Đà Nẵng chiếm tỷ trọng lớn
Mức tiêu thụ điện năng trong nhóm ngành thương nghiệp, khách sạn tại Đà Nẵng chiếm tỷ trọng lớn

“Bùng nổ” nhu cầu năng lượng

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, tỷ trọng tiêu dùng năng lượng của nhóm ngành thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng (tính trên tổng tiêu thụ của toàn thành phố) trong những năm qua có sự dịch chuyển lớn. Cụ thể, ở thời điểm năm 2015, nếu tỷ trọng này chiếm 14%, thì đến cuối 2018 đã là 19,37% tổng tiêu thụ điện năng của toàn thành phố. Tính riêng ở lĩnh vực khách sạn, giai đoạn 2015 - 2016 tăng 17%, năm 2016 - 2017 tăng 23% và đến năm 2018 tăng đến 28%.

Xét theo nhóm B (nhóm có lĩnh vực khách sạn) của khung “cơ sở (doanh nghiệp) sử dụng năng lượng trọng điểm”, với tiêu chí “tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong 1 năm, quy đổi tương đương ra 500 tấn dầu (500 TOE) trở lên, tức tiêu thụ khoảng 3 triệu kWh/năm”, Đà Nẵng có 13 khách sạn (bao hàm cả khách sạn trong khu du lịch, khu nghỉ mát) sử dụng năng lượng trọng điểm. Trong 13 doanh nghiệp này, mức tiêu thụ thấp nhất: 506 TOE, cao nhất: 2.888 TOE và trung bình là 1.216 TOE.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Điện lực Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân đưa đến mức tiêu thụ điện năng cao của các khách sạn do vẫn còn lãng phí, chưa có quan tâm đúng tầm mức. Những tổn thất, tiêu hao năng lượng lẽ ra kiểm soát được, nhờ giám sát và cảnh báo, thì đều không được theo dõi, thu thập, phân tích kịp thời.

Bên cạnh đó, còn có tác nhân trực tiếp là thiết bị, công nghệ được sử dụng đã quá cũ, hiệu suất thấp; nhóm thiết bị mới nhập thì chưa được kiểm toán năng lượng thường xuyên. Đáng chú ý trong nhóm thiết bị, công nghệ cũ là hệ thống nước nóng (để đun sôi phải cần đến nguồn điện) được bố trí đơn lẻ từng phòng (thay vì sử dụng hệ thống nước nóng từ năng lượng mặt trời, có khả năng cung cấp cho một phần hoặc toàn khách sạn). Hệ thống điều hòa cục bộ đơn lẻ trang bị ở mỗi phòng cũng gây tiêu tốn khá nhiều năng lượng…

Ngoài ra, khách lưu trú với tâm lý đã trả tiền cho các dịch vụ tại khách sạn thường để điều hòa ở nhiệt độ thấp so với khuyến cáo thường từ 16-20 độ C, khi ra ngoài vẫn mở điều hòa, chiếu sáng trong phòng, điều này dẫn đến tiêu thụ lượng điện năng tương đối lớn và lãng phí. Thêm vào đó, các thiết bị tủ lạnh, đèn chiều sáng cũng được sử dụng tối đa.

Hệ thống nước nóng NLMT tại Khách sạn Biển vàng tiết kiệm 401kWh điện và giảm phát thải CO2 khoảng 6.774kg ra môi trường
Hệ thống nước nóng NLMT tại Khách sạn Biển Vàng tiết kiệm 401kWh điện và giảm phát thải CO2 khoảng 6.774kg ra môi trường

Dự báo của ngành du lịch Đà Nẵng, số lượng khách sạn tiếp tục tăng cao để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, do đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của khối ngành dịch vụ ngày càng tăng. Trong khi đó, đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ cạn kiệt những nguồn năng lượng truyền thống; cũng như, khuyến cáo về tình trạng sử dụng điện năng kém hiệu quả ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Bối cảnh này đặt ra cho Đà Nẵng cần thiết phải có chiến lược đúng đắn trong khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên và đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo. Việc kêu gọi kết hợp với nhiều biện pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng hóa thạch, song song, nghiên cứu, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, biogas, biomass, thủy điện…) phù hợp, được xem là giải pháp hữu hiệu và bền vững trong tương lai.

Giải pháp tiết kiệm cho tăng xưởng xanh

Thực hiện đề án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn Đà Nẵng”, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng đã triển khai chương trình “Tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, tòa nhà” nhằm hỗ trợ khảo sát, tư vấn giải pháp cho hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đồng hành với chương trình này, Khách sạn Trường Sơn Tùng 2 đã đầu tư gần 35 triệu đồng, thay thế toàn bộ bóng đèn Compact 3U-15W đang sử dụng, sang bóng đèn Led Buld 9W, kết hợp với giải pháp điều khiển tự động nhu cầu chiếu sáng ở mọi khu vực hành lang (điều tiết ánh sáng phù hợp khi có người và không có người qua lại). Với giải pháp này, hằng năm, Khách sạn Trường Sơn Tùng 2 tiết kiệm được 6.880kWh điện, tương ứng 13 triệu VNĐ tiền điện. Quan trọng hơn, khách sạn đã tham gia tiết giảm khoảng 2841 kg CO2 khí/ năm, góp phần giảm khí nhà kính, giảm tác động từ biến đổi khí hậu…

Đà Nẵng cần thiết phải có chiến lược đúng đắn trong khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên và đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo
Đà Nẵng cần thiết phải có chiến lược đúng đắn trong khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên và đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo

Tương tự, tại khách sạn Á Đông, toàn bộ bóng đèn Compact 15W đang dùng đã được thay thế bằng bóng đèn LED 9W. Cùng với ứng dụng IoT, điều khiển tự động hoạt động chiếu sáng tại khu hành lang, khách sạn tiết kiệm được 5.663kWh điện, tương ứng khoảng 12 triệu đồng, giảm phát thải khoảng 2.339 kg CO2. Số tiền đã đầu tư cho hệ thống được hoàn vốn trong vòng 39 tháng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Khách sạn Biển Vàng, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng chia sẻ, trung bình mỗi tháng, khách sạn thanh toán khoảng 67 triệu đồng tiền điện. Lượng điện tiêu thụ chủ yếu cho 3 hệ thống: điều hòa không khí và hệ thống nước nóng đơn lẻ trong phòng của khách, hệ thống chiếu sáng. Đăng ký tham gia chương trình của Trung tâm tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ, khách sạn đã nhận được sự hỗ trợ từ khâu khảo sát (cán bộ-chuyên viên Trung tâm đến khảo sát, đo đạc và ghi nhận). Sau đó, đưa ra đề xuất thay thế 3 hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời (tổng công suất 900 lít).

Với hệ thống mới, hằng năm, khách sạn tiết kiệm (ước khoảng) 401kWh điện, nhờ giảm sử dụng điện năng gia nhiệt các máy nước nóng đơn lẻ trong phòng nghỉ. Như vậy hằng năm, khách sạn tham gia cắt giảm tương ứng lượng.

“Bình quân mỗi năm, chúng tôi tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng. Thời gian hoàn vốn cho hệ thống chúng tôi đã đầu tư khoảng 20 tháng, và hệ thống được bảo hành đến 60 tháng (5 năm) thì hiệu quả đã khá rõ. Chúng tôi sẽ tính toán để thay thế dần các máy cấp nước nóng đơn lẻ nhưng lại tiêu thụ nhiều năng lượng. Chúng tôi cũng muốn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.”- bà Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng thành phố môi trường, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định, ưu tiên hàng đầu của TP chính là ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ công nghệ mới song song với tiết kiệm năng lượng từ những giải pháp tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc đối với các cơ sở thuộc ngành sản xuất gây ô nhiễm hay tiêu hao nhiều năng lượng (theo quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả). Những giải pháp tiết kiệm năng lượng đang được triển khai thực hiện tại hàng loạt khách sạn đã giải quyết một phần bài toán tăng trưởng xanh của Đà Nẵng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Tiết kiệm năng lượng gắn với tăng trưởng xanh trong dịch vụ khách sạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO