Đà Nẵng: Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển đô thị

Lan Anh| 29/12/2021 21:21

(TN&MT) - Sau 8 năm thi hành Luật Đất đai đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, diện mạo của thành phố Đà Nẵng. Tuy vậy, đến nay hệ thống các chính sách, pháp luật về lĩnh vực này đang bộc lộ những hạn chế, bất cập cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung nhằm phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai của địa phương

Chính sách khơi thông nguồn lực

Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, từ khi thi hành Luật Đất đai 2013, việc xây dựng và ban hành chính sách quản lý đất đai thuộc thẩm quyền của thành phố cơ bản được hoàn thiện, hạn chế một phần sự không thống nhất, chồng chéo trong các quy định pháp luật. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố đã được thực hiện một cách đồng bộ đã và đang khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển…

Riêng trong lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất ngắn với quy hoạch hạ tầng, nhất là quy hoạch giao thông, phương thức đổi đất lấy hạ tầng và lấy quy hoạch nuôi quy hoạch được thành phố vận dụng khá thành công nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố.

Đất đai là nguồn lực quan trọng để Đà Nẵng đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị cũng như kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất được thành phố quan tâm và chú trọng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương hàng năm, từng bước sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực khắc phục tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng.

Từ năm 2013 đến nay, thành phố giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với 36 khu đất (dự án) và 319 lô đất với tổng diện tích 24,5ha, thu vào ngân sách 2.400 tỷ đồng. Tổng diện tích đất thu hồi sau 8 năm khoảng 1.157ha với hơn 6.000 hộ dân di dời. Thành phố đã thực hiện linh hoạt cơ chế tạo quỹ đất phục vụ cho công tác bố trí tái định cư.

Đà Nẵng là một trong 4 địa phương thực hiện thí điểm Đề án kiện toàn Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp trên cơ sở kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở TN&MT và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN&MT các quận, huyện; chuyển giao các công việc có thể làm được liên quan đến công tác quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ Chi cục Quản lý đất đai sang Trung tâm Phát triển Quỹ đất. Quy trình tiếp nhận, xử lý, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai đã được các cơ quan thực hiện theo đúng thẩm quyền, thủ tục.

Sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn

Tuy nhiên, thực tế quy hoạch, quản lý đất đai của thành phố hiện nay đang bộc lộ một số bất cập, nhất là trong quá trình thi hành Luật đất đai, chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị năng động làm cho hiệu quả sử dụng đất còn thấp.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng thừa nhận, thời gian qua, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số quy hoạch ngành, lĩnh vực chưa cao, chưa mang tính chiến lược lâu dài. Bên cạnh đó, do sức ép về phát triển trong điều kiện thành phố còn nhiều khó khăn, nhất là cơ chế chính sách, quy định về đất đai, thu hút đầu tư còn chồng chéo, mâu thuẫn chưa phù hợp thực tiễn, dẫn đến việc vận dụng thực hiện một số chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của pháp liên quan đến lĩnh vực đất đai, dự án đầu tư của thành phố Đà Nẵng còn chưa nghiêm, chưa đúng quy định.

Từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2023, thành phố sẽ tiến hành đấu giá 18 khu đất lớn để kêu gọi đầu tư các dự án động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng một lúc, thành phố phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, điều tra, trong đó nhiều vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền giải quyết nên đến nay kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, nhiều dự án phải tạm dừng và không tiếp tục triển khai, gây lãng phí, ách tắc trong khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển và tâm lý nhà đầu tư.

Thời gian tới, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng kiến nghị TW khẩn trương đổi mới, hoàn chỉnh hệ thống chính sách pháp luật đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quy định pháp luật đất đai cần phải có tính ổn định lâu dài, các nghị định thông tư, văn bản hướng dãn thi hành luật cần có tính kế thừa các quy định pháp luật qua các thời kỳ. Đồng thời, các quy định pháp luật được sửa đổi, bổ sung đơn giản, cụ thể và tránh trường hợp cùng một vấn đề nhưng mỗi địa phương lại áp dụng mỗi cách thực hiện khác nhau.

Cải cách thủ tục hành chính về đất đai vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất đai, vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

“Sở TN&MT Đà Nẵng đề nghị trong quá trình xây dựng Dự án Luật đất đai (sửa đổi)cần có sự nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm từ thực tiễn về những mặt tích cực, kinh nghiệm, cách làm của các địa phương trong việc vận dụng các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai để góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật cho phù hợp.”- ông Tô Văn Hùng kiến nghị.

Giai đoạn 1997-2020, tổng số tiền thu khai thác quỹ đất của TP. Đà Nẵng đạt hơn 55.300 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1997-2011 đạt hơn 25.000 tỷ đồng, đây là nguồn lực chủ yếu để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và xã hội của thành phố. Từ nguồn lực từ đất đai, thành phố tập trung triển khai nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO