Thách thức ô nhiễm “trắng”
Ô nhiễm “trắng” là cụm từ mà giới chuyên gia nói về hiện trạng ô nhiễm môi trường do việc sử dụng tràn lan túi ni lông thông thường hiện nay. Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng là nơi neo đậu tàu thuyền và cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung lâu nay luôn nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Rác thải chủ yếu là bao ni-lông, chai nhựa, vỏ hộp cơm… bủa vây tàu thuyền, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mặc dù chính quyền địa phương và các CLB môi trường thường xuyên thu gom rác thải nhưng 'không xuể" bởi lượng rác quá lớn.
Theo Ban quản lý Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, nguyên nhân chủ yếu việc ô nhiễm là ý thức ngư dân không cao, tiện tay là xả thẳng trực tiếp xuống âu thuyền. Ngoài ra, người dân sinh sống xung quanh đã đem rác thải đến vứt xuống nước, tấp vào bờ khiến ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Hàng ngày, người dân khu vực giáp ranh 2 phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông phải "sống chung" với ô nhiễm. Những hôm nắng nóng, mùi hôi thối của rác thải, tanh nồng của hải sản theo làn gió bay thẳng vào nhà dân.
Dọc bãi biển Đà Nẵng, cứ sau mỗi trận mưa lớn kéo dài và biển động hàng chục tấn rác thải lại “tấn công” bờ biển, tạo nên cảnh tượng nhếch nhác và mất mỹ quan. Mới đây, trên bãi biển Xuân Thiều, la liệt túi ni-lông, vỏ chai nhựa tạo nên một “bãi rác” ngay trên bãi biển, kéo dài suốt một đoạn bờ biển dài gần 300m.
Mỗi ngày, thành phố Đà Nẵng thu gom khoảng 1000 tấn rác thải, trong đó 8% đến 10% là túi ni lông và chai nhựa. Các loại chai nhựa có thể thu gom phân loại để tái chế còn lại túi ni lông chủ yếu chôn lấp, khó phân hủy.
Ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường và Đô thị Đà Nẵng cho biết, nhiều năm nay, ở một số bãi biển du lịch như Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, các cống xả có sử dụng lưới ngăn rác, còn lại là cống hở. Cứ sau mỗi trận mưa, một lượng lớn rác thải theo đường cống thoát tràn ra bờ biển.
“Cứ sau mỗi trận mưa lớn, rác ni lông lại theo các cống xả tràn ra biển. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư ở trên nguồn hệ thống thoát nước không vứt rác, bao ni lông xuống cống thoát nước thì chẳng có ni lông trôi ra biển được.”- ông Tiên cho hay.
Nói không với rác thải nhựa
Nhằm giải quyết ô nhiễm “trắng” ngay đầu nguồn sử dụng, UBND TP Đà Nẵng vừa kí ban hành văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện triển khai thực hiện chiến dịch nói không với rác thải nhựa trên địa bàn.
Theo đó, TP phát động các cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, hướng các cá nhân, tổ chức thực hiện thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lí theo quy định. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Từ năm 2017, UBND quận Thanh Khê đã triển khai thí điểm sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường (túi tự hủy sinh học) tại một số chợ và đến đầu năm 2018 đã triển khai đại trà tại 11/11 chợ trên địa bàn quận.
Do giá của túi tự hủy sinh học còn khá cao so với túi nilon thông thường, nên để triển khai hiệu quả, UBND quận Thanh Khê thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng băng-rôn, phướn, loa truyền thanh ở chợ và thực hiện chính sách trợ giá cho các tiểu thương. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn quận đã bán trợ giá được gần 4.000kg túi tự hủy sinh học tại 11/11 chợ, đạt khoảng 45% so với kế hoạch.
Sở Công thương Đà Nẵng cũng tổ chức phát động hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, vận động lãnh đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, tiểu thương kinh doanh ở các chợ hạn chế sử dụng túi ni lông; qua đó, vận động người thân, gia đình mang theo túi đựng, giỏ nhựa khi đi chợ, siêu thị.
Đại diện Sở TN&MT Đà Nẵng cho rằng, chỉ cần những hành động nhỏ như bán hàng không sử dụng túi ni lông thông thường, mang theo túi đựng khi đi siêu thị, hạn chế sử dụng đồ dùng và vật liệu nhựa dùng một lần… là những cách chống lại ô nhiễm nhựa. Với ý nghĩa đó, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cần chung thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Thành phố Yokohama (Nhật Bản) đang giúp đỡ Đà Nẵng thực hiện quản lý chất thải rắn và thúc đẩy phân loại rác tái chế. Hiện nay, tại các quận đang đẩy mạnh việc tách rác tài nguyên ra khỏi rác thải sinh hoạt. Để nâng cao chất lượng các hoạt động này, cần sự vào cuộc, chung tay của các hộ gia đình, hộ kinh doanh, đơn vị để tài nguyên từ rác không bị lãng phí và bảo vệ môi trường, nhất là làm giảm ô nhiễm rác thải nhựa đối với biển.