Môi trường

Giảm ô nhiễm rác thải nhựa: Luật Bảo vệ môi trường 2020 là "kịch bản" tốt nhất

Minh Hiếu 27/06/2024 - 09:01

(TN&MT) - Việt Nam đã tham gia 4 phiên đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Theo đó, đã có nhiều vấn đề được đặt ra khi có nhiều bên đối lập nhau về quan điểm xử lý toàn bộ vòng đời của nhựa và thực hiện tham vọng về một thế giới không rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển và lợi ích từ các quốc gia dầu mỏ và kém phát triển hơn đối với nhựa. Việt Nam sẽ có kịch bản nào đóng góp vào Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa?

Hội nghị đàm phán lần thứ 4 (INC-4) vừa kết thúc tại Canada cho thấy sự phân hoá, không chỉ giữa nhóm các quốc gia phát triển với nhóm các quốc gia đang phát triển mà còn chính trong nhóm các nước đang phát triển, các cuộc thảo luận diễn ra một cách căng thẳng, thường xuyên kéo dài, kết thúc muộn và tiến độ chậm hơn dự kiến. Các nước phát triển, nhất là Liên minh châu Âu và các nước thành viên, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada.... mong muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán để có thể thông qua Thỏa thuận tại INC-5 tại Busan, Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nước đang phát triển, đặc biệt các nước vùng Vịnh: Ả-rập Xê-út, Kuwait, I-rắc, I-ran, và Liên bang Nga không muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán và phản đối. Thực chất, các quốc gia này không muốn đẩy nhanh, thậm chí, trì hoãn quá trình đàm phán để kết thúc vào cuối năm 2024.

8c.jpg
Đoàn Việt Nam tham gia Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa

Một số nội dung quan trọng, cốt lõi trong dự thảo Thỏa thuận hiện nay còn đang nhiều ý kiến, quan điểm khác biệt, thậm chí gây tranh cãi gay gắt, đó là: Phần II của Thỏa thuận liên quan đến việc quản lý vòng đời của nhựa, vấn đề giảm sản xuất nhựa (đây là một trong những nội dung cốt lõi của Thỏa thuận và cũng là nội dung gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán). Theo đó, các quốc gia sản xuất dầu mỏ - những quốc gia đang sở hữu các công ty dầu khí lớn không mong muốn quy định về mục tiêu cắt giảm sản xuất nhựa, đặc biệt là nhựa nguyên sinh với lý do vấn đề ô nhiễm môi trường có nguyên nhân từ rác thải nhựa, do đó cần tập trung vào các giải pháp quản lý và xử lý rác thải nhựa thay vì biện pháp kiểm soát nguyên liệu đầu vào là nhựa nguyên sinh.

Đứng trước vấn đề này, Đoàn Việt Nam dự Hội nghị INC-4 đã tích cực tham gia các phiên thảo luận theo các Nhóm liên hệ và các Tiểu nhóm theo chỉ đạo và phân công nhiệm vụ của Trưởng ban công tác đàm phán. Các thành viên Đoàn chủ động, có trách nhiệm trong việc tham gia thảo luận xây dựng dự thảo Thỏa thuận trên tinh thần bám sát quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường vận động, thu hút nguồn lực về tài chính và công nghệ để thực hiện Thỏa thuận.

Về vấn đề kịch bản nào cho Việt Nam, theo ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT, Trưởng Đoàn đàm phán INC – 4 cho biết, rất khó để xác định trong thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, Bộ TN&MT chỉ tổng hợp, tham mưu, còn "chất liệu" để làm nên kịch bản cần sự vào cuộc của các bộ, ngành. Ví như, muốn đánh giá tác động của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa tới Việt Nam, Bộ Công Thương phải đưa ra được con số chính xác về ngành nhựa, sản xuất, đầu tư, kinh doanh... Tham gia Thỏa thuận toàn cầu là một mục tiêu chắc chắn nhằm nỗ lực cắt giảm ô nhiễm nhựa của Việt Nam, song Thỏa thuận toàn cầu cũng vẫn cần tạo không gian phát triển cho ngành nhựa, một trong những ngành kinh tế lớn của đất nước. Chúng ta hướng đến sử dụng hợp lý, từng bước thay đổi hành vi của con người. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác hại đến môi trường và sức khỏe con người, cần nâng cao tỷ lệ thu hồi và tái chế rác thải nhựa bằng các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng tái chế có quy mô với công nghệ tiên tiến nhất về tái chế có hiệu suất tái chế cao, tiết kiệm năng lượng và tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội, các doanh nghiệp khối phi chính thức, phát triển thêm các hình thức tái chế quy mô nhỏ, linh hoạt theo điều kiện cụ thể.

Và để làm được điều đó, theo ông Lê Ngọc Tuấn, chúng ta thực hiện đầy đủ những quy định tại Luật bảo vệ môi trường 2020 cũng đã mang lại hiệu quả cao nhất; đặc biệt là thúc đẩy thực thi trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, phân loại rác tại nguồn, biến rác thải thành tài nguyên, kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm ô nhiễm rác thải nhựa: Luật Bảo vệ môi trường 2020 là "kịch bản" tốt nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO