Môi trường

TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ "XANH HÓA" BỆNH VIỆN TẠI TP.HCMBài 1: Nhiều cơ sở y tế vi phạm quy định bảo vệ môi trường

Nhóm phóng viên 21/10/2024 - 16:44

TP.HCM là địa phương tập trung số lương bệnh viện, cơ sở y tế nhiều nhất cả nước với hàng triệu lượt bệnh nhân mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế còn vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

z5950929799713_2d14eb16cf0ec5e003abce30f1005eb5.jpg
Theo Sở Y tế TP.HCM, qua kiểm tra, phần lớn trạm y tế chưa có giấy phép môi trường; hệ thống xử lý nước thải bị hư hỏng chưa được sửa chữa.

Từ lỗ hổng trạm y tế

Sở Y tế TP.HCM cho biết: hiện trên địa bàn thành phố có 131 bệnh viện, trong đó có 63 bệnh viện công lập và 68 bệnh viện ngoài công lập; 22 trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức; 310 trạm y tế và hơn 8.000 phòng khám tư nhân.

Cũng theo số liệu của Sở Y tế, trong năm 2023, các bệnh viện, cơ sở y tế đã thải ra môi trường 3.600 tấn chất thải lây nhiễm, gần 4,5 triệu m3 chất lỏng y tế, gần 18.000 tấn chất thải sinh hoạt…

Như vậy, với khối lượng chất thải y tế “khổng lồ” này cần phải được xử lý nghiêm ngặt, đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, việc chấp hành các quy định về xử lý nước thải, chất thải y tế đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải sớm được khắc phục.

Cuối tháng 2/2024, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, Sở TN&MT, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố, Trung tâm Y tế các địa phương đề nghị chấn chỉnh công tác quản lý chất thải y tế.

Theo cơ quan này, qua kiểm tra đã ghi nhận phần lớn trạm y tế chưa có giấy phép môi trường hoặc các văn bản tương đương. Hệ thống xử lý nước thải bị hư hỏng chưa được sửa chữa. Hợp đồng thu gom và vận chuyển chất thải y tế đã hết hạn nhưng chưa thực hiện gia hạn; nội dung hợp đồng thu gom chất thải nguy hại chỉ thể hiện thu gom tại một địa điểm…

z5932254012370_11d808bc3f136eca1b30938050c347c9(1).jpg
Rác và sình lầy bủa vây trước cổng bệnh viện Hùng Vương

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM, tình trạng mất vệ sinh môi trường từ nước thải, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt… rất đáng quan ngại.

Tại bệnh viện Hùng Vương, dọc theo mặt tiền bệnh viện là vũng nước đen kịt bốc mùi hôi thối và rác thải chất đống. Còn tại tại bệnh viện Chợ Rẫy, dù trong khuôn viên bệnh viện được đặt nhiều thùng rác, nhưng trên nền đất vẫn vương vãi nhiều rác thải, khẩu trang, thậm chí có cả bông gạt y tế đã qua sử dụng.

Trước cổng và khu vực xung quanh nhiều bệnh viện tại TP.HCM thường xuyên xuất hiện tình trạng rác thải sinh hoạt, túi ni lông, hộp xốp…do hoạt động buôn bán hàng ăn phục vụ cho nhu cầu của những người đến khám chữa bệnh. Tình trạng này không chỉ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và sức khỏe của cộng đồng.


z5932254025497_9bb0da972288ac93ad87fe27b92a06b3.jpg
Rác thải, khẩu trang, thậm chí có cả bông gạt y tế đã qua sử dụng rơi vương vãi trong khuôn viên bệnh viện Chợ Rẫy

Đến sai phạm của các bệnh viện lớn

Ngày 22/7/2024 vừa qua, Thanh tra Bộ TN&MT đã ban hành 3 Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cụ thể, tại Kết luận thanh tra số 17/KL-TTr ngày 22/7/2024, Thanh tra Bộ TN&MT xác định bệnh viện Nhi đồng 1 tồn tại các vi phạm như: báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020, 2021 không đúng theo mẫu; không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước từ ngày 13/4/2021 – 5/8/2022.

z5932254014682_3125a682205810d1ac9267f05ad86c2a.jpg
Theo kết luận của Thanh tra Bộ TN&MT, Bệnh viện Từ Dũ không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước

Đặc biệt, Bệnh viện Nhi đồng 1 còn xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 - 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) - 400 m3/ngày (24 giờ). Với hành vi này, bệnh viện này đã bị Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt số tiền gần 333 triệu đồng.

Tại Kết luận thành tra số 16/KL-TTr, Thanh tra Bộ TN&MT xác định Bệnh viện Chợ Rẫy xả nước thải có các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung về quan trắc nước thải năm 2021. Đồng thời, yêu cầu đơn vị này thực hiện đúng các nội dung trong giấy phép môi trường thành phần đã được cấp; thu gom và xử lý triệt để các loại chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi xả ra ngoài môi trường.

z5932254020601_ebe2a878ec42c70a545a8310faa2d5ec.jpg
Bệnh viện Chợ Rẫy bị phát hiện xả nước thải có các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải

Còn tại Kết luận thanh tra số 19/KL-TTr, Bộ TN&MT chỉ ra Bệnh Viện Từ Rũ không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước từ 21/9/2019 đến 20/1/2020. Đồng thời, bệnh viện không kịp thời có văn bản gửi cơ quan thẩm quyền phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết để đề xuất thay đổi thông số quan trắc định kỳ về nước thải cho phù hợp với thực tế hoạt động.

Ngoài ra, trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Minh Hùng, Trưởng Phòng hành chính Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn xác nhận, đơn vị này đã hoàn tất nộp phạt số tiền 320 triệu đồng theo quyết định xử phạt của UBND Thành vì chưa có giấy phép môi trường.

Theo đó, bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất thiết kế 250 m3/ngày đêm từ tháng 8/2010 nhưng không có giấy phép xả thải vào nguồn nước do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Bài 2: Hành trình "xanh hóa" bệnh viện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ "XANH HÓA" BỆNH VIỆN TẠI TP.HCM Bài 1: Nhiều cơ sở y tế vi phạm quy định bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO