Theo đó, Thành phố Đà Nẵng đứng đầu trong 63 tỉnh thành cả nước về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) năm 2021 với tổng điểm 79.82 điểm. Tiếp sau đó là Bà Rịa - Vũng tàu với 78.79 điểm, xếp thứ 3 là Trà Vinh với 77.52 điểm.
Tỉnh Đắk Nông đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số PEPI 2021, với số điểm 51,3. Các tỉnh nằm trong top cuối bảng xếp hạng còn có Kiên Giang (55,88 điểm), Phú Yên (54,64 điểm), Bình Phước (54,86 điểm), Bình Thuận (55,14 điểm).
Xét toàn bộ 63 tỉnh thành, có 10 tỉnh/thành phố đạt mức tốt, đạt kết quả Chỉ số PEPI từ 70 điểm trở lên; có 39 tỉnh/thành phố đạt mức khá, đạt kết quả Chỉ số PEPI từ 60 đến dưới 70 điểm và có 14 tỉnh/thành phố đạt mức trung bình, đạt kết quả Chỉ số PEPI từ 50 đến dưới 60 điểm.
Theo đánh giá, tính điểm Chỉ số PEPI 2021 của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 64,74 điểm, cao hơn 2,79 điểm, tương ứng với mức tăng 4,3% so với giá trị trung bình năm 2020 (đạt 61,95 điểm). So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 33 địa phương đạt chỉ số PEPI cao hơn giá trị trung bình của cả nước.
Đáng chú ý, năm 2021, số địa phương đạt trên 70 điểm và số địa phương đạt từ 60 đến dưới 70 điểm đều cao hơn 6 tỉnh/thành phố so với năm 2020 (năm 2020 có 4 địa phương đạt trên 70 điểm và 34 địa phương đạt từ 60 – dưới 70 điểm); số địa phương đạt từ 50 đến dưới 60 điểm giảm 5 địa phương so với năm 2020; không có địa phương đạt dưới 50 điểm, trong khi năm 2020 có 4 địa phương ở mức này. Khoảng cách chênh lệch kết quả giữa địa phương cao nhất và thấp nhất giảm 10,15 điểm so với năm 2020 (khoảng cách này năm 2021 là 28,52 điểm, năm 2020 là 38,67 điểm).
Xu hướng này cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực trong việc tổ chức thực hiện thu thập tổng hợp thông tin, số liệu phục vụ đánh giá đầy đủ hơn các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số, nỗ lực nâng cao kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương.
Kết quả Chỉ số PEPI 2021 của các địa phương có nhiều khởi sắc với 45 tỉnh, thành phố có kết quả tăng cao hơn so với năm 2020. Trong đó, các địa phương tăng điểm cao là Quảng Trị (+ 24 điểm), Bắc Ninh (+18,67 điểm), Bến Tre (+12,8 điểm), Nghệ An (+10,81 điểm), Nam Định (+10,35 điểm). Bên cạnh đó, vẫn còn 18 địa phương có kết quả Chỉ số PEPI giảm so với năm 2020, trong đó, địa phương giảm nhiều là Đắk Nông (- 11,03 điểm), Lâm Đồng (-8,38 điểm), Cao Bằng (-6,87 điểm), Phú Yên (-6,69 điểm), Hải Dương (-6,26 điểm).
Bộ chỉ số PEPI của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Bộ chỉ số PEPI được cấu trúc thành hai nhóm: Nhóm 1 là nội dung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được thực hiện thông qua đánh giá kết quả thực hiện 22 chỉ số thành phần. Nhóm 2 là nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, gồm 8 tiêu chí/vấn đề về chất lượng môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Căn cứ kết quả đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, có giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số PEPI ở những năm tiếp theo.